Canada – EU ký thỏa thuận thương mại tự do

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Canada và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên vào trưa 30/10, kết thúc quá trình đàm phán dài 8 năm.

Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Bỉ kết thúc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã ngay lập tức mời Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến Brussels để tham dự buổi ký kết dự kiến diễn ra vào trưa 30/10. “Hội nghị Thượng đỉnh Canada - EU sẽ được diễn ra và đây là tin tốt, tôi mong chờ đến lúc đó”, ông Trudeau viết trên Twitter.

 Canada - EU ký hiệp ước thương mại tự do sau nhiều năm đàm phán.

Hiệp ước Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA), thỏa thuận được nhiều người cho rằng sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên hơn 20% trước đó đã gặp rắc rối sau khi vùng nói tiếng Pháp Wallonia của Bỉ phản đối. Trong khi, toàn bộ 28 nước thành viên EU ủng hộ CETA, thì Bỉ chưa thể đồng ý vì họ cần sự chấp thuận từ chính quyền tiểu bang. Sau khi giới chính trị Bỉ đồng ý bổ sung hôm 27/10 để xoa dịu các lo ngại của Wallonia, nghị viện khu vực bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận hôm 28/10. Cộng đồng nói tiếng Hà Lan và quốc hội Bỉ cũng chấp thuận thỏa thuận vài giờ sau đó.

Quan chức hàng đầu của Wallonia Paul Magnette cho biết các cuộc đàm phán ở Bỉ cho ra thỏa thuận mà ông có thể đồng ý. Theo ông Magnette, phụ lục mới được bổ sung giải quyết nhiều quan ngại về việc hệ thống bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài có thể làm các hãng đa quốc gia mạnh thêm. Mục bổ sung cũng cung cấp điều khoản bảo vệ cho nông dân.

Thỏa thuận trên có thể được thi hành vào năm 2017, khoảng 8 năm sau khi cuộc đàm phán bắt đầu, miễn là cũng được Nghị viện châu Âu ủng hộ. Những người phản đối CETA ủng hộ phản ứng chống toàn cầu hóa ngày càng tăng ở phương Tây với nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại thỏa thuận thương mại được đề xuất giữa Mỹ và EU: Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Những người phản đối cho rằng TTIP và CETA sẽ gia cố các DN đa quốc gia và hủy hoại các tiêu chuẩn về thực phẩm, môi trường và lao động.

Những phản ứng từ chính quyền tiểu bang tại Bỉ về CETA cho thấy một sự chia rẽ trong nội bộ, khi các vùng phía Bắc của Bỉ nói tiếng Hà Lan giàu hơn, còn vùng phía Nam nước này chủ yếu nói tiếng Pháp lại đang phải vật lộn với tịnh trạng suy giảm nghiêm trọng của các ngành công nghiệp than và thép.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần