Canada và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi “nảy lửa” về vụ bắt giữ Giám đốc Huawei

Nguyễn Phương (Theo Theguardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Trung Quốc tại Ottawa vừa chỉ trích Canada "tiêu chuẩn kép" khi vừa bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei nhưng lại yêu cầu Trung Quốc thả công dân của mình.

Trong bài viết đăng ngày 9/1 trên tờ Hill Times xuất bản tại Ottawa, Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye đã lên án các nước phương Tây áp "tiêu chuẩn kép" khi kêu gọi thả các công dân Canada mà Bắc Kinh đang giam giữ.

  Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lu Shaye.
"Lý do khiến một số người ngạo mạn dùng tiêu chuẩn kép nằm ở sự tự cao tự đại của phương Tây và thuyết người da trắng thượng đẳng", nhà ngoại giao Trung Quốc nêu rõ trong bài viết.
Cũng trong bài báo này, Đại sứ Lu Shaye nhấn mạnh: “Dường như đối với những người đó, luật pháp của Canada hoặc các nước phương Tây khác là luật pháp và phải được tuân thủ, trong khi luật pháp của Trung Quốc thì không và không nên được tôn trọng”.
Sự thiếu quan tâm ở Canada đối với Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu cho thấy việc đối xử nhân đạo chỉ được coi là cần thiết đối với công dân Canada, chứ không phải với công dân Trung Quốc, ông Luc nói thêm.
Tuyên bố trên của Đại sứ Trung Quốc tại Canada được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Ottawa đang leo thang căng thẳng ngoại giao liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu hôm 1/12/2018 tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ.
Phản ứng với phát biểu trên của Đại sứ Lu Shaye, người phát ngôn của Ngoại trưởng Canada Alex Lawrence phản đối những lời chỉ trích từ nhà ngoại giao Trung Quốc.
 Roland Paris - cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nói rằng các phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Canada là “đáng lo ngại” và gây tổn hại thêm cho mối quan hệ giữa hai nước.
Khoảng 10 ngày sau đó, Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc “can dự vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia”, theo Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nước này.
Ông Paris cũng lưu ý thêm rằng chính phủ Canada đang tuân thủ luật dẫn độ quốc tế, trong khi các công dân Canada bị bắt và giam giữ ở Trung Quốc trong “tình huống đáng ngờ”.
 Quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng liên quan đến vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu.
Trung Quốc đã không đưa ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc giam giữ hai công dân Canada nói trên và vụ bắt giữ bà Mạnh, nhưng các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng các vụ việc này là một đòn “ăn miếng trả miếng”.
Tờ Globe and Mail hôm 9/1 cho biết các quan chức lãnh sự quán Canada tại Trung Quốc đã lần đầu tiên gặp công dân Spavor trong tuần này, gần 1 tháng sau khi bị giam giữ hôm 13/12/2018. Trước đó, hôm 14/12/2018, Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum đã tiếp xúc lãnh sự với Kovrig và Spavor trong nửa giờ.
Trong cuộc thảo luận hôm 7/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đồng ý tiếp tục thúc ép Trung Quốc thả 2 công dân Canada đang bị giam giữ sau vụ bắt CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu. Thủ tướng Trudeau cũng cảm ơn ông Trump vì “những lời tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ” liên quan đến việc bắt giữ 2 công dân này.
Bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại từ ngày 11/12 với khoản bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD). CFO Huawei hiện đang bị giám sát an ninh bằng thiết bị định vị GPS 24/24 và phải đối diện với việc bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần