Cảng cá Cát Bà, Hải Phòng: Cần có lộ trình di dời phù hợp

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lộ trình di dời của thành phố Hải Phòng, cảng cá Cát Bà sẽ về cảng cá và khu du lịch Trân Châu. Theo chủ trương, đến tháng 5/2018 cảng Trân Châu đã phải đi vào hoạt động. Thế nhưng đến nay cảng này vẫn đang trong quá trình xây dựng dang dở.

 Cảng cá Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Trong khi cảng cá Cát Bà hầu như không còn hoạt động từ đầu năm, điều này khiến gần 40 hộ dân, DN nơi đây lâm vào tình cảnh ''dở khóc dở cười'' vì không kinh doanh được.
Đa phần các hộ dân, DN nơi đây đều ủng hộ chủ trương của thành phố về việc di dời, thế nhưng chính quyền cần có phương án hỗ trợ cụ thể cho các hộ dân, DN để họ có thể bố trí và sắp xếp công ăn việc làm.
Ông Phạm Quốc Huynh, một hộ dân nằm trong diện di dời cho biết, cảng cá được khởi công xây dựng từ năm 1999, đưa vào sử dụng từ năm 2001. Hộ gia đình ông đã đầu tư cơ sở hạ tầng để thành lập một xưởng chế biến cá với tổng vốn lên tới vài tỷ. Đến nay khi kiểm kê phương án đền bù hộ nhà ông không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ khoản nào. Trong khi xưởng đang có vài chục công nhân lao động, bây giờ cũng không biết xoay xở thế nào khi cảng Trân Châu thì chưa xây dựng xong.
Được biết, cảng cá là nơi phục vụ cho ngư dân Hải Phòng và các tỉnh vùng Duyên hải bắc Bộ, cho các tàu thuyền neo đậu, tiêu thụ sản phẩm cung ứng dịch vụ. Theo thống kê mỗi ngày có khoảng 100 lượt tàu cập cảng. Nhưng từ đầu năm đến nay đã không còn tàu ra vào cảng cá này. Trong khi đó theo đánh giá của nhiều người thì cảng Trân Châu được xây dựng làm khu trán trú bão cấp vùng, quy mô lớn nhưng ở cách xa trung tâm thị trấn không phải thiết kế để sử dụng làm cảng cá, hiện cảng này được đóng khá nhiều cọc bê tông, không có bề mặt tự nhiên, thuận lợi giống như cảng cá Cát Bà.
Trong khi đó Cảng cá Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là cảng cá loại I có vai trò quan trọng đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Cảng cá Cát Bà cũng chính là dự án được cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thông qua hiệp định 1404 - VIE, mục đích phục vụ cộng đồng ngư dân trong vòng 30 năm không vì lợi nhuận.
 Bên trong cảng cá
Cho đến hiện tại gần 40 hộ dân, DN nằm trong diện phải di dời, một số hộ ký HĐ với UBND thành phố, 1 số hộ ký với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn…do việc lên phương án bồi thường chưa gần với người dân và DN nên khiến cả DN và người dân đều bức xúc.
Được biết trước đó Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có văn bản ngày 26/1/2018, đề nghị UBND thành phố Hải Phòng không đóng cảng khi chưa đủ thủ tục cần thiết. Việc đóng cảng có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và cuộc sống của cộng đồng ngư dân.
Ngày 4/9/2018 Tổng cục thủy sản tiếp tục có Công văn số 3018 có chỉ rõ: Tại thời điểm kiểm tra không có tàu cá nào vào bốc xếp hàng hóa do chủ trương, chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng… nhận thấy cảng cá Cát Bà vẫn đủ điều kiện hoạt động bình thường về địa hình, thủy văn ổn định, bảo đảm an toàn cho hoạt động cảng cá… Đoàn đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo Ban quản lý cảng cá tiếp tục tổ chức, hướng dẫn thông báo cho các tàu cá vào bốc xếp sản phẩm thủy sản khai thác, tiếp nhận dịch vụ hậu cần tại Cảng cá Cát Bà theo quy định.
Đã đến lúc DN, người dân hiện đang kinh doanh sinh sống tại đây từ nhiều năm cần được chính quyền quan tâm và có sự hỗ trợ đền bù theo đúng quy định của pháp luật. UBND thành phố Hải Phòng cần có lộ trình di dời cho phù hợp để DN, người dân có sự chuẩn bị tâm thế cho việc chuyển đến cảng mới. Tránh thiệt thòi cho DN,người dân đang ở ổn định từ nhiều năm qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần