Căng thẳng chính trị ở Trung Đông hỗ trợ đà leo dốc của giá dầu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 18/4, giá dầu tiếp tục tăng nhờ lượng dự trữ dầu thô Mỹ giảm và lo ngại nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt tại Trung Đông.

Giá "vàng đen" duy trì đà đi lên trong phiên 18/4 do các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông trước khi dữ liệu định kỳ về nguồn cung xăng dầu được công bố.
Giá dầu tiếp tục tăng nhờ lượng dự trữ dầu thô Mỹ giảm. 
Theo các nhà phân tích, hiện giới đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị ở Trung Đông và việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran có thể dẫn đến giá dầu tăng.
Cụ thể, dầu Brent giao dịch ở mức 72,07 USD/thùng, tăng 49 xu Mỹ khoảng 0,7% so với phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng nhích 49 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên mức 67,01 USD/thùng.
Tại Mỹ, theo báo cáo hàng tuần của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này giảm 1 triệu thùng trong tuần trước xuống 428 triệu thùng. Số liệu chính thức về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 18/4.
Các thị trường dầu mỏ bên ngoài Mỹ đang nhận được hỗ trợ quan trọng do nguy cơ gián đoạn nguồn cung do căng thẳng chính trị tại Trung Đông, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran và khủng hoảng kinh tế-chính trị tại Venezuela. 
William O'Loughlin, nhà phân tích đầu tư tại Chứng khoán Rivkin của Australia nhận định: “Giá dầu đang gần mức cao nhất trong 3 năm nhờ mức tồn kho trở lại mức bình thường và hạn chế được tình trạng dư cung toàn cầu".
Theo nhà phân tích O’Loughlin, bên cạnh việc hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng Nga từ đầu năm 2017, sản lượng khai thác sụt giảm tại Venezuela đang hỗ trợ giá năng lượng thế giới.
“Loại bỏ đi rủi ro địa chính trị - vốn dường như đã dịu bớt sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp vào Syria, thị trường dầu vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng cao cùng với thỏa thuận cắt giảm của các thành viên trong và ngoài OPEC”, Robert Yawger - Giám đốc năng lượng tại Mizuho lưu ý.
Khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Trong một báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết dự trữ dầu toàn cầu đang sụt giảm và tiến gần đến mức bình quân 5 năm, đạt  mục tiêu của OPEC.
Bên cạnh đó, Ủy ban giám sát chung của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC dự kiến nhóm họp vào cuối tuần này. Tại cuộc họp hồi cuối tháng 1, Ủy ban giám sát cấp Bộ trưởng chung (JMMC) cho biết OPEC cùng với các đồng minh đạt mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng lên tới 129% trong tháng 12/2017.
Ngân hàng ING của Hà Lan dự báo giá dầu Brent sẽ tăng trở lại mức trên 70 USD/thùng trong tháng 4 do căng thẳng địa chính trị cùng với một số yếu tố phát triển lạc quan của thị trường nhiên liệu.
Trước đó, ngân hàng này đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2018 lên 66,5 USD/thùng từ 60,25 USD/thùng, dầu WTI tăng lên 62,5 USD/thùng từ mức 57,75 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong năm 2019, ngân hàng ING nhận định giá dầu sẽ giảm do sản lượng dầu thô của Mỹ ngày càng tăng, hiện tăng hơn 25% kể từ giữa năm 2016 đạt mưc hơn 10,5 triệu thùng/ngày.
Báo cáo định kỳ hàng tháng của EIA cho biết sản lượng dầu thô từ 7 giàn khoan dầu đá phiến lớn nhất Mỹ dự kiến sẽ tăng 125,000 thùng/ngày trong tháng 5/2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần