Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng chính trị tại Myanmar tiếp tục leo thang

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh sát Myanmar hôm 5/3 đã nổ súng giải tán đám đông biểu tình ôn hòa khiến một người đàn ông thiệt mạng. Đặc phái viên LHQ về Myanmar kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động.

>>> Liên Hợp quốc kêu gọi quân đội Myanmar ngừng dùng bạo lực với người biểu tình ôn hòa

>>> Myanmar: Chính biến khiến một loạt dự án cơ sở hạ tầng "khủng" đắp chiếu

>>> Myanmar: 38 người thiệt mạng trong ngày bạo lực đẫm máu nhất sau cuộc chính biến

Đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình Myanmar tiếp diễn hôm 5/3. Các nhân chứng cho biết cảnh sát đã nổ súng giải tán đám đông biểu tình ôn hòa ở TP Mandalay, khiến một người đàn ông thiệt mạng.
Biểu tình lan rộng tại Myanmar để phản đối quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực.

Các nhà hoạt động phản đối cuộc chính biến của quân đội Myanamar và việc bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi ngày 5/3 tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố và thị trấn, trong đó hàng nghìn người tham gia tuần hành ôn hòa tại TP Mandalay.
Tại TP Yangon, cảnh sát bắn đạn cao su và ném lựu đạn khói vào nhóm người biểu tình có sự tham gia của khoảng 100 bác sĩ.
Trước diễn biến căng thẳng tại Myanmar sau cuộc chính biến hôm 1/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp kín hôm 5/3.
Phát biểu tại cuộc họp về Myanamr, Đặc phái viên của LHQ tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, yêu cầu khôi phục chính phủ dân cử ở Myanmar, đồng thời kêu gọi quân đội nước này ngừng đàn áp người biểu tình.
Cũng tại cuộc họp, bà Schraner kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ hành động, Đặc phái viên của LHQ cho biết bà nhận được khoảng 2.000 tin nhắn mỗi ngày từ Myanmar yêu cầu cộng đồng quốc tế hành động.
Bà cũng hối thúc các cường quốc trên thế giới "mạnh mẽ và kịp thời" trong việc thúc đẩy khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. 
Cao ủy về nhân quyền LHQ Michelle Bachelet hôm 4/3 cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng và hơn 1.700 người bị bắt kể từ sau cuộc chính biến hôm 1/2. Bà Bachelet kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar dừng "đàn áp người biểu tình ôn hòa".
Quân đội Myanmar bắt Cố vấn Suu Kyi và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. 
Bất chấp hành động mạnh tay của quân đội, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Myanmar khẳng định họ vẫn sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình. 
Hôm 4/3, Reuters đưa tin, ít nhất 19 sĩ quan đã từ bang Chin của Myanmar chạy đến bang Mizoram ở Ấn Độ để yêu cầu tị nạn chính trị. 
Trước tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar, Bộ Thương mại Mỹ hôm 4/3 áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Myanmar cùng 2 tập đoàn liên kết với quân đội là MEC và MEHL. Các biện pháp này hạn chế quân đội Myanmar tiếp cận một số loại hàng hóa của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang làm việc với các quốc gia khác để gửi thông điệp chung rằng hành động của quân đội Myanmar là không thể chấp nhận và sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Trong khi đó, ông Thomas Andrews, điều tra viên nhân quyền của LHQ về Myanmar, ngày 5/3 cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào quân đội Myanmar.