Căng thẳng chính trị tại Trung Đông đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, giá "vàng đen" tăng gần 1% do được hỗ trợ từ đồng USD yếu, tình hình căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Saudi.

Giá "vàng đen" đi lên trong phiên này do mối lo ngại về sản lượng của Venezuela giảm mạnh khiến nguồn cung toàn cầu có thể bị thiếu hụt.
Cụ thể, giá dầu WTI giao dịch ở mức 62,61 USD/thùng, tăng 55 xu Mỹ, tương đương khoảng 0,9% so với đóng cửa phiên trước đó.
Trong khi đó giá dầu Brent tăng 48 xu Mỹ, lên mức 66,53 USD/thùng, khoảng 0,7% so với phiên ngày 19/3.
Các thương nhân lo ngại tại Trung Đông, nơi Mỹ có thể tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran cũng như căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran, vốn có thể làm gián đoạn nguồn cung trên thế giới.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cuối tuần qua tuyên bố nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran làm điều đó. Thái tử bin Salman có chuyến thăm Mỹ trong tuần này và dự kiến sẽ đưa ra nhiều thông tin.
 Giá dầu tăng gần 1% trong ngày 20/3 do đồng USD yếu và căng thẳng tại Trung Đông.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây kêu gọi sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, nếu không sẽ không gia hạn việc giảm trừng phạt Iran. Anh, Pháp và Đức cũng vừa đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran do chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của nước này tại cuộc chiến ở Syria nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Những lo lắng về sản lượng dầu thô sụt giảm tại Venezuela cũng hỗ trợ các thị trường dầu mỏ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước cho biết sản lượng dầu thô của Venezuela, một nước thành viên của OPEC, đã giảm còn 1,55 triệu thùng/ngày trong tháng 2, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng trước, và giảm 540.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm nhanh chóng và sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Venezuela có thể khiến thị trường toàn cầu bị thiếu hụt nguồn cung.
Ông Sukrit Vijayakar, Giám đốc Tư vấn Năng lượng Trifecta, nhận định: "Căng thẳng chính trị giữa Ả Rập Saudi và Iran là yếu tố chính đẩy giá dầu đi lên trong phiên này".
Bên cạnh đó, tỷ giá USD suy yếu trong phiên giao dịch giúp các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với các khách hàng sử dụng ngoại tệ khác cũng hỗ trợ đà phục hồi của giá dầu.
Các vấn đề địa chính trị ở Trung Đông và Venezuela, cũng như nỗ lực cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi và Nga đang tạo lực đỡ cho giá dầu, theo Brian Youngberg, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Edward Jones.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng lại tác động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kể từ giữa năm 2016, sản lượng dầu của nước này đã tăng hơn 20% lên 10,38 triệu thùng/ngày. Theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ tăng thêm 4 chiếc lên tổng số 800 chiếc trong tuần trước.
Hiện sản lượng dầu của Mỹ cao hơn Ả Rập Saudi và chỉ còn kém Nga, nước đang khai thác 11 triệu thùng/ngày. Dự kiến, sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ vượt qua Nga vào cuối năm nay. Điều này, cùng với sản lượng dầu tại Canada và Brazil đang tăng lên, đang hạn chế nỗ lực thắt chặt nguồn cung của Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần