Căng thẳng Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ: Vì nội, kích ngoại

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ đến nay, mối quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu (EU) và với nhiều thành viên EU trắc trở và phức tạp hơn. Chưa bao giờ mức độ quan hệ lại xấu đi, căng thẳng và đối địch như hiện tại, điển hình là giữa nước này với Hà Lan.

Chuyện thật ra chỉ liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan, nhưng vì họ đều là thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ hợp tác và lịch sử đặc biệt với EU mà Hà Lan là thành viên nên hệ luỵ của nó ảnh hưởng trực tiếp đến NATO và EU.

Thổ Nhĩ Kỳ chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của NATO, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bó ở khu vực cửa ngõ của EU và NATO. Nước này lại còn là đối tác mà EU không thể bỏ qua nếu như muốn tiếp tục xử lý ổn thoả vấn đề tỵ nạn và nhập cư.

Trong các nước thành viên EU có hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc gốc Thổ Nhĩ Kỳ với một hoặc hai quốc tịch và là bộ phận cử tri không nhỏ ở cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước châu Âu. Vì thế, phía Thổ Nhĩ Kỳ dám quyết liệt và các nước thành viên EU không thể không lo ngại và buộc phải tìm cách ứng phó khôn khéo.

 Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấpHà Lan. Ảnh CBS

Chính phủ Hà Lan tham gia cuộc chạy đua căng thẳng và đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ vì có động cơ và mục đích như chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đều dùng đối ngoại để phục vụ đối nội, đều tấn công lẫn nhau để đạt được những mục tiêu ở trong nước.

Đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là giành đa số trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 tới. Hiến pháp mới sẽ cho phép ông Erdogan tập trung được mọi quyền bính vào tay mình.

Đối với chính phủ Hà Lan và cá nhân Thủ tướng Mark Rutte là duy trì vị thế cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 15/3. Ông Erdogan cần lá phiếu ủng hộ của người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài còn ông Rutte cần tranh thủ cả bộ phận cử tri thuộc cánh hữu và cực hữu ở Hà Lan để ngăn cản thắng cử thuộc về đối thủ chính trị đáng gờm nhất là thủ lĩnh phe cực hữu Geert Wilders.

Thực tế đã chứng minh đối sách của ông Rutte đã giúp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và đảng Tự do và dân chủ (VVD) đánh bại ứng viên đảng Vì tự do (PVV) Geert Wilders và giành đa số ghế trong Quốc hội.

Cả hai đều tận dụng việc làm găng với nhau chứ không nhượng bộ để gây dựng và thể hiện hình ảnh về nhà lãnh đạo đầy khả năng và bản lĩnh, vững vàng và quyết đoán, kiên định bảo vệ lợi ích đất nước và đề cao chủ nghĩa dân tộc. Con chủ bài này giúp ông Rutte tranh thủ được mọi diện cử tri ở Hà Lan và giúp ông Erdogan đề cao được uy tín, mờ rộng được phạm vi ảnh hưởng đối với cử tri ở trong cũng như bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải họ không biết khẩu chiến và xung khắc chính trị ngoại giao như thế gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương và có quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU. Nhưng đối với họ, nhu cầu tận lợi từ bất hoà còn cấp thiết và thiết thực hơn cả ngăn ngừa hậu quả tai hại của việc gia tăng bất hoà. Cứ xô đẩy nhau vào hết vòng xoáy của căng thẳng này đến vòng xoáy khác, việc hoà giải sẽ ngày càng thêm khó khăn. Đấu ngoại để phục vụ đối nội hiện hữu ích đối với họ thật đấy, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan không thể căng thẳng và đối đich dai dẳng mãi với nhau. Cái giá mà hai bên sau này phải trả cho hoà giải sẽ càng ngày càng thêm đắt.