Căng thẳng leo thang tại Libya đẩy giá dầu chạm mức cao nhất 5 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục tăng mạnh chạm mức đỉnh kể từ tháng 11/2018 trong phiên 8/4 khi thị trường lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng do giao tranh căng thẳng tại Libya.

Giá “vàng đen” tiếp tục leo dốc trong phiên này nhờ được thúc đẩy từ việc cắt giảm nguồn cung liên tục của Tổ chức Các nước xuất khẩu dẩu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, leo thang căng thẳng ở Libya và dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ.
Giá dầu chạm mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 28 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên mức 70,62 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 63,39 USD/thùng, nhích 30 xu Mỹ, tương đương 0,5% so với phiên trước đó.
Giá dầu Brent và WTI ở đầu phiên giao dịch ngày 8/4 đã tăng lần lượt lên mức 70,76 USD và 63,48 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Nhằm kéo giá dầu phục hồi, OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm nay.
Chiến lược gia thị trường Hussein Sayed tại Công ty môi giới tương lai FXTM nhận xét: “Chương trình cắt giảm sản xuất của OPEC cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào IranVenezuela là những động lực chính hỗ trợ giá dầu trong năm nay”.
Ngoài ra, theo ông Sayed, tình trạng leo thang xung đột tại Libya đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung cũng là nhân tố tác động tích cực đến giá dầu mỏ.
Bên cạnh đó, số liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ được công bố cuối tuần trước cũng tạo lực đẩy cho giá “vàng đen” trong phiên này.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 3, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ tăng 196.000, vượt mức dự báo tăng 18.000 của giới phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý vẫn còn tồn tại những nhân tố có thể gây sức ép đối với giá dầu trong những tháng tới.
Hiện Nga đang tỏ ra miễn cưỡng khi tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cuối tuần trước cho hay nước này có thể tăng sản lượng nếu thỏa thuận không được gia hạn trước khi hết hạn vào ngày 1/7.
Sản lượng dầu của Nga đã chạm mức kỷ lục 11,16 triệu thùng/ngày vào năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng dầu tại Mỹ cán mốc kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 3.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng gia tăng khi phá mốc 3 triệu thùng dầu/ngày lần đầu tiên trong năm nay.
“Với hệ thống đường ống Permian mới, dự kiến được đưa vào hoạt động từ tháng 7 tới, xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng 500.000 - 600.000 thùng”, chuyên gia tư vấn năng lượng FGE cho biết.
Nỗi lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nguy cơ Mỹ và Trung Quốc thất bại trong giải quyết tranh chấp thương mại song phương, cũng là nhân tố quan trọng có thể gây sức ép đối với thị trường dầu mỏ trong năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần