Căng thẳng luyện thi vào lớp 10

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đua vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội năm nay căng thẳng hơn năm ngoái do số học sinh (HS) tới hơn 105.000, trong khi chỉ tiêu chỉ lấy gần 65.000 HS. Thế nên thời điểm này, HS đang căng sức ôn luyện chuẩn bị cho cuộc đua tuyển sinh sắp tới.

 Học sinh trường THCS Thanh Xuân, quận Cầu Giấy trong giờ học Toán. Ảnh: Thanh Hải
Khóc vì thi thử quá khó
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần tuần nữa, 105.000 HS Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển vào lớp 10, trong đó hơn 40.000 thí sinh sẽ không có chỗ trong các trường công lập. Điều này khiến phụ huynh, HS đều căng thẳng trong việc chọn trường và chạy đua luyện thi, làm đề thi thử.

Nếu như những năm trước, việc ôn thi ở thời điểm này khá ổn định, nhiều HS chọn ôn tập tại các trường THCS thì năm nay, không khí tại một số trung tâm luyện thi của Hà Nội "nóng ran". Trung tâm luyện thi Edufly thay vì ổn định các lớp ôn luyện từ trước, vẫn đang tiếp tục nhận học viên mới, đáp ứng nhu cầu cha mẹ HS. Đại diện trung tâm này cho biết, với mức thu 120.000 đồng/buổi, HS thường đăng ký 3 buổi/tuần. Dù chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là đến kỳ thi, nhưng vẫn có nhiều HS mới tham gia, chủ yếu là để làm đề thi thử. Có thể thấy, tâm lý HS luôn muốn kiểm tra trình độ để xem mình có đủ năng lực trúng tuyển vào những trường công lập đăng ký theo nguyện vọng 1 hay không.

Tuy nhiên, việc học thêm trên lớp cộng với “chạy sô” học thêm tại các trung tâm có thể gây quá tải cho HS, đặc biệt là tâm lý bất ổn nếu kết quả kiểm tra không như mong muốn. “Con tôi vừa kiểm tra xong 2 bài thi thử tuần này, dù chưa có điểm nhưng vì không làm được câu cuối bài hình, nên con thất vọng, khóc cả buổi vì lo không đủ điểm vào trường THPT Chu Văn An” – ông Nguyễn Quốc Toản, phụ huynh một HS trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) cho biết. Theo ông Toản, việc con biết lo lắng cho kết quả học tập là điều đáng mừng, nhưng bản thân gia đình cũng không muốn con chịu quá nhiều áp lực. Tuy nhiên, năm nay số lượng HS tăng quá nhiều, sức cạnh tranh sẽ rất cao trong khi chỉ tiêu vào công lập lại có hạn nên HS sẽ phải cạnh tranh căng thẳng hơn.

HS thiệt vì ít trường công lập

Theo ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, Hà Nội bổ sung thêm hơn 300 phòng học mới và nới sĩ số lớp 10 các trường THPT công lập lên 45 HS/lớp (trước là 40 HS/lớp), nhưng vẫn có tới 38% HS không có chỗ trong trường công.

Chia sẻ về áp lực HS lớp 9 vào lớp 10 THPT, bà Lê Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, với việc siết chặt đầu vào lớp 10 THPT công lập, bắt buộc HS THCS phải đạt danh hiệu khá, giỏi cả 4 năm học và điểm môn Văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 phải 8, 9. Đây là cái đích quá cao đối với nhiều HS”. Ở quận Cầu Giấy không thể đặt kỳ vọng tất cả HS đỗ công lập bởi toàn quận có khoảng 5.000 HS tốt nghiệp THCS dự tuyển vào lớp 10, nhưng chỉ có 3 trường THPT công lập. Chưa kể một số trường ngoài công lập thì đều trong tốp trường có điểm đầu vào rất cao. “Áp lực đang đè nặng lên giáo viên khi phải tìm mọi cách bồi dưỡng, đào tạo HS để đáp ứng kỳ vọng của phần lớn các bậc phụ huynh muốn con mình đỗ vào lớp 10 công lập” – bà Nga cho biết.

Trước áp lực của HS lớp 9 năm nay, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khuyên, các em đã học 2 buổi/ngày ở trường, phụ huynh không nên bắt con học thêm vào các buổi tối. "Quan trọng là nhà trường và phụ huynh cùng đồng hành, hỗ trợ nhau để tìm ra cách học tốt nhất cho con ở trường. Chứ không phải trông chờ vào học thêm bên ngoài. Đừng để HS quá tải, tiếp nhận kiến thức thụ động thay vì tự nhìn nhận xem mình còn thiếu hụt kiến thức ở đâu để tập trung vào ôn tập, rèn luyện trong thời điểm nước rút này” - ông Lâm phân tích.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi HS được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh. Trường hợp HS không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì xét đến nguyện vọng 2, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.

Ngày 19/5, Sở GD&ĐT sẽ công bố số lượng HS dự tuyển vào từng trường THPT tại các phòng GD&ĐT. Thông tin được đăng tải chi tiết trên web của Sở GD&ĐT Hà Nội.