Căng thẳng Nga - Ukraine: EU "hụt hơi" trong trừng phạt Moscow?

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Brussels như đang tránh nhắc đến việc tăng áp lực với Moscow - có thể là thận trọng, nhưng cũng không loại trừ sự bất lực từ bất đồng nội bộ.

Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi trừng phạt nhiều hơn đối với Nga sau khi xảy ra đụng độ với Ukraine tại eo biển Kerch hồi cuối tuần qua, thúc đẩy các đại diện từ 28 quốc gia thành viên đưa ra một tuyên bố chung về việc xử lý động thái bắt giữ các tàu hải quân và nhiều thủy thủ Ukraine của Nga.
Kết thúc 3 ngày xem xét, Đại diện cấp cao EU Federica Mogherini vào tối ngày 28/11 đã đưa ra thông báo, thể hiện "mối quan tâm tối đa về sự gia tăng nguy hiểm" từ vụ việc vừa qua cũng như chỉ trích hành động của Nga, nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến bất cứ sự gia tăng biện pháp trừng phạt nào đối với Moscow vào lúc này.
Bà Federica Mogherini - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU.
Các quốc gia bao gồm Ý, Hy Lạp, Bulgaria và Cộng hòa Cyprus từ lâu đã kêu gọi một lập trường nhẹ nhàng hơn với Nga khi cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện tại của khối này đối với vai trò của Nga trong tình trạng hỗn loạn ở Ukraine đang làm tổn thương chính các doanh nghiệp EU.
Lệnh trừng phạt đầu tiên mà Brussels áp đặt với Moscow là khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Phương Tây sau đó còn thắt chặt hơn sự phong tỏa kinh tế Nga khi cho rằng chính quyền Moscow hỗ trợ phiến quân miền Đông Ukraine chiến đấu chống lại quân đội chính phủ.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ quyết định gai tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thêm một năm nữa khi họ gặp nhau tại Brussels vào tháng 12 này, hoặc cũng có thể là một lệnh trừng phạt hoàn toàn mới sau khi các ngoại trưởng nhóm họp vào ngày 10/12 tới.
Mặc dù thực tế việc áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng đòi hỏi sự thống nhất của tất cả 28 quốc gia thành viên, tuy nhiên nội bộ EU lại đang gặp nhiều vấn đề trong việc thực thi chúng, điển hình là khi Siemens của Đức đồng ý cung cấp tua bin khí cho Crimea của Nga. Thực thi và kiểm soát các biện pháp trừng phạt từ EU là vấn đề đối với mỗi quốc gia thành viên riêng biệt nhưng đôi khi các nước không nhiệt tình hành động, thiếu ý chí chính trị hoặc "chịu thua" trước áp lực từ các doanh nghiệp trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần