Căng thẳng thương mại khiến giá dầu khép lại tuần giảm nhẹ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu thế giới ghi nhận một tuần giảm giá mặc dù chứng kiến 3 phiên đi lên trong tuần với giá dầu WTI hạ 1,3%, giá dầu Brent mất 0,6%.

Trong phiên 6/8, giá dầu tăng mạnh sau khi các nguồn tin từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng khai thác dầu của khối này bất ngờ giảm trong tháng 7/2018. Điều này gia tăng các lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu.
Dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm liền 6 tuần.
2 nguồn tin tại OPEC cho biết trong tháng 7, Ả Rập Saudi bơm khoảng 10,29 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường, giảm khoảng 200.000 thùng/ngày so với mức trong tháng trước đó.
Giá “vàng đen” tiếp tục leo dốc trong ngày 7/8 sau khi Mỹ chính thức áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt lên hàng hóa Iran, làm gia tăng lo ngại rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của Tehran, dự kiến vào tháng 11 tới, có thể gây ra tình trạng nguồn cung bị gián đoạn.
Nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, song Washington nói rằng họ muốn nhiều nước dừng mua dầu của Tehran.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 8/8, giá dầu thế giới giảm sâu khi số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu mỏ của Mỹ sụt giảm ít hơn dự đoán.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,23 USD xuống 66,94 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2018 cũng giảm 2,37 USD xuống 72,28 USD/thùng. 
Theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này giảm 1,4 triệu thùng xuống 407,4 triệu thùng, thấp hơn mức dự báo giảm 3 triệu thùng của các nhà phân tích.

Trong phiên giao dịch 9/8, giá dầu tiếp tục đà giảm giữa bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang làm tăng thêm sự hoài nghi về triển vọng của nhu cầu tiêu thụ dầu trên thị trường toàn cầu.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 7/8 cho biết bắt đầu từ ngày 23/8 tới, Mỹ sẽ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/8 thông báo Bắc Kinh quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ. 
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh trong ngày 10/8, khi dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu gia tăng, cùng với sự gia tăng nguồn cung từ Nga, đã bù đắp những lo ngại về căng thẳng thương mại có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu.
Ngày 10/8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu thêm 110.000 thùng/ngày lên 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Thị trường dầu thế giới ghi nhận một tuần giảm giá. 
Báo cáo định kỳ hàng tháng của IEA cũng cho biết nguồn cung toàn cầu tăng 300.000 thùng/ngày trong tháng 7, chủ yếu là vì sản lượng tăng cao từ OPEC và Nga.
Tamas Varga, chuyên gia phân tích tại PVM, nhận định: “Khả năng tích cực nhiều hơn tiêu cực bởi vì sự thay đổi triển vọng nhu cầu”.
Thị trường toàn cầu cũng đang dõi theo những diễn biến của tình hình Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cuộc khủng hoảng tiền tệ đang ngày một tồi tệ hơn, và tại Nga, với bất kỳ khả năng tác động nào đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên này, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 82 xu Mỹ (tương đương 1,2%) lên 67,63 USD/thùng, qua đó giúp chấm dứt mạch 2 phiên giảm liên tiếp của hợp đồng này.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn London tăng 74 xu Mỹ (tương đương 1%) lên 72,81 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều giảm giá trong tuần qua, trong đó hợp đồng dầu WTI sụt 1,3% và hợp đồng dầu Brent mất 0,6%. Đáng chú ý nhất là dầu WTI đã ghi nhận 6 tuần lao dốc liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 8/2015.
Giới đầu tư cũng đang quan sát các động thái đáp trả thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, với lo ngại rằng xung đột thương mại có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Cho đến nay, Trung Quốc đã loại bỏ dầu thô Mỹ ra khỏi danh sách hàng hóa chịu thuế cao hơn.
Ngoài ra, dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 10/8 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 10 giàn lên 869 giàn trong tuần này. Tổng số giàn khoan tại Mỹ, bao gồm khoan dầu và khí thiên nhiên, tăng 13 giàn lên 1.057 giàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần