Thị trường “vàng đen” giao dịch trồi sụt trong suốt tuần qua, chủ yếu do tình trạng bất ổn của nguồn cung và triển vọng tăng trưởng kinh tế tại châu Á có thể bị ảnh hưởng vì xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có xu hướng leo thang sau khi chính quyền Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7.
Bắc Kinh cáo buộc Washington châm ngòi "cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế". Đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn cầu, qua đó có thể gây sức ép giảm lên giá dầu bởi triển vọng về nhu cầu tiêu thụ giảm.
Giá dầu tại Mỹ và giá dầu trên thị trường thế giới biến động trái chiều trong phiên 6/7. Tính cả tuần, dầu ngọt nhẹ WTI và Brent đều có tuần giảm đầu tiên sau 2 tuần tăng liên tiếp trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang tăng lên.
Giới đầu tư đã hài lòng với lời kêu gọi từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc kéo giảm giá dầu.
Gần đây, giá dầu đã chạm đỉnh trong năm trong vài tuần qua nhờ sự gián đoạn nguồn cung và những nỗ lực từ OPEC để làm giảm tình trạng dư cung đã khiến giá dầu lao dốc trong những năm gần đây.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex tiến 86 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 73.80 USD/thùng.
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn London hạ 28 xu Mỹ, tương đương 0,4% còn 77.11 USD/thùng.
Tuần qua, hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lùi 0,5%, còn hợp đồng dầu Brent sụt 2,7%, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Cả 2 hợp đồng này đều giảm sau 2 tuần tăng giá liên tiếp.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 5/7 cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/6/2018, trái ngược hoàn toàn với dự báo sụt 4,5 triệu thùng của giới phân tích.
Góp phần vào kỳ vọng nguồn cung gia tăng, dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 6/7 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 5 giàn lên 863 giàn trong tuần này. Số giàn khoan đã tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Trong khi đó, thông qua một loạt các dòng tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các quan chức Ả Rập Saudi, nhà sản xuất dầu có ảnh hưởng nhất OPEC, gia tăng sản lượng và làm giảm giá dầu.
Trước đó, OPEC cùng với các đồng minh, bao gồm Nga, trong cuộc họp tháng 6 đã đồng ý tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Venezuela và Iran.
Tuy nhiên, Đại sứ Iran tại OPEC, Hossein Kazempour Ardebili, nói với hãng tin Reuters hôm 5/7 rằng dầu sẽ sớm leo lên mức giá 100 USD/thùng bởi vì sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.