Vào đầu tháng 5 vừa qua, ZTE đã ra thông báo ngừng hoạt động sau quyết định của Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty trong nước bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Theo đó, lệnh cấm được đưa ra sau khi ZTE bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và vận chuyển trái phép hàng hoá cũng như công nghệ Mỹ sang Iran.
Sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra yêu cầu Mỹ nói lỏng lệnh cấm đối với ZTE, trên trang mạng cá nhân Twitter ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách để giúp ZTE hoạt động trở lại, bởi “rất nhiều việc làm đã bị mất bởi lệnh cấm này”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Tống thống Trump, đồng thời cho biết phía Trung Quốc đang phối hợp với Mỹ để tìm cách nới lỏng lệnh cấm đối với ZTE.
Tuyên bố trên của Tổng thống Trump đã khiến nhiều quan chức tại Washington bất ngờ, bởi trước đó, người đứng đầu Nhà trắng luôn giữ quan điểm cạnh tranh thương mại “không công bằng” của Bắc Kinh đã khiến nền kinh tế Mỹ thâm hụt lên tới hàng trăm tỷ USD, đồng thời lấy mất cơ hội việc làm của lao động Mỹ.
Đáng chú ý, động thái này diễn ra chỉ ít ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán tiếp theo về tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tại Washington, qua đó làm dấy lên hi vọng 2 bên sẽ có thể tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực nhằm cân bằng lợi ích thương mại.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán đến Washington. |
Wu Xinbo - Giám đốc Viện Nghiên cứu tại trường đại học Fudan, Thượng Hải nhận định, quyết định trên của Tổng thống Mỹ cho thấy Washington đang bày tỏ thiện chí trong việc tìm giải pháp để hạ nhiệt cho những căng thẳng thương mại gần đây. Trong khi đó, nhiều khả năng phái đoàn Trung Quốc sẽ đưa ra các đề xuất nhằm làm giảm thâm hụt thương mại giữa 2 nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường dịch vụ, tài chính và công nghệ của nước này.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc thuộc trường đại học Bắc Kinh Lu Feng cho rằng chính quyền Bắc Kinh thậm chí có thể cho phép các công ty Mỹ quyền tiếp cận thị trường tương đương với các DN nội địa, cũng như nới lỏng các yêu cầu về vấn đề chuyển giao công nghệ.
Trước đó, vòng đàm phàn đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc vào đầu tháng 5 đã không đạt kết quả, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin yêu cầu Trung Quốc đưa ra lộ trình giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại với Mỹ đến cuối năm 2020, đồng thời dừng các chính sách hỗ trợ bất bình đẳng đối với DN trong nước.
Tuy nhiên, các dấu hiệu gần đây cho thấy kỳ vọng vòng đàm phán thứ 2 này sẽ mang lại kết quả tích cực là có cơ sở. Một báo cáo của tờ Politico nhận định việc chính quyền Washington thay đổi quan điểm đối với ZTE một phần là bởi Tổng thống Trump nhận định Trung Quốc đang giữ ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6.