Càng thịnh vượng, càng ít xe máy

Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Khi đi tìm căn nguyên của vấn nạn UTGT tại Việt Nam, không ít lập luận cho rằng phần lỗi thuộc về phương tiện cá nhân (xe máy và ô tô).

Dù vậy, theo nhận định của giới nghiên cứu giao thông đô thị, vấn đề lỗi do phương tiện nào không quan trọng bằng sự thật: Xe máy và ô tô cá nhân không phải là phương tiện giao thông chính ở các đô thị phát triển, mà phải là giao thông công cộng...

Bệ phóng phát triển giao thông công cộng

“Cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì?” là câu hỏi được đại đa số người dân Việt Nam đặt ra khi đề án hạn chế phương tiện cá nhân được đưa ra thảo luận. Đây cũng chính là câu hỏi mà các nước phát triển trên thế giới từng vấp phải khi vấn nạn UTGT bùng phát. Thay vì bàn lùi, chính quyền Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... đã kiên quyết cấm, tiến tới loại bỏ xe gắn máy ra khỏi hệ thống giao thông. Từ đây, các mô hình giao thông công cộng tối tân: Từ đường thủy, đường bộ, đường sắt cho tới tuyến xe điện trên, dưới mặt đất mới phát huy tối đa vai trò của mình. Việt Nam vì thế phải đi theo quỹ đạo này.

Xe buýt BRT vận hành trên đường Láng Hạ. Ảnh:  Hải Linh

Nhìn ra thế giới, các quốc gia tiên tiến phương Tây đã cấm xe máy đi vào nội thành từ lâu và thu được nhiều lợi ích. Người dân có thói quen tốt đi bộ từ nhà ra bến xe và từ bến xe tới công sở, hạn chế tối đa ùn tắc. Khu vực các nước ASEAN ngoại trừ Việt Nam và Campuchia, còn các nước khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, kể cả Lào… hầu như đều không có xe máy đi trong TP.

Trung Quốc - đất nước có số dân hơn 1,3 tỷ người vẫn tìm ra đáp án cho việc "cấm xe mô tô, xe máy chạy trong các tuyến phố lớn". Từ năm 2007 đi đầu là TP Quảng Châu rồi phát triển đến Côn Minh, Vũ Hán, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải và nay là 92 TP lớn trên cả nước cấm xe gắn máy lưu thông. Song song, “bật đèn đỏ” với mọi loại xe không biển, không giấy tờ; nghiêm cấm tất cả các xe mô tô, xe máy tham gia giao thông trên những con đường quốc lộ.

Tại Yangoon (Myanmar) cấm hoàn toàn xe máy từ lâu mà vẫn giải quyết được nhu cầu giao thông đô thị. Dù chất lượng xe buýt và ô tô cá nhân ở Yangoon chưa tốt nhưng chính quyền đã thực hiện được mục đích cấm xe máy ở nơi còn khó khăn về kinh tế. Rõ ràng, việc cấm xe máy không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải có lộ trình lâu dài. Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn áp dụng xu thế chung của thế giới thì không có đất để quy hoạch cho giao thông công cộng.

“Khoảng chờ” 13 năm

Lợi ích của việc cấm xe máy lưu thông trong nội thành không còn cần bàn luận gì thêm. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, đây là vấn đề nhạy cảm do đụng chạm đến toàn xã hội. Từ nhận thức như trên, chính quyền tại các nước áp dụng thành công “cấm” xe máy đều không lựa chọn phương pháp đột ngột hoặc nóng vội mà có một khoảng chờ nhất định để xây dựng cơ chế và hạ tầng giao thông. Ở TP Nam Ninh (Trung Quốc), chính quyền thông báo trước thời điểm cấm xe máy khoảng 8 năm, để người dân từ bỏ xe cũ đang đi và không mua thêm xe mới. Đồng thời, ban hành chính sách rõ ràng về việc hỗ trợ các chủ xe – bỏ xe càng sớm càng được hỗ trợ nhiều; xe càng mới, hỗ trợ càng cao. Các DN sản xuất xe máy cũng được hỗ trợ để chuyển sang các mặt hàng khác thân thiện với môi trường như xe đạp… Với chính sách đó, ngay lập tức một phần lớn xe máy bị “loại khỏi vòng chiến” khiến TP thông thoáng rất nhiều, tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng, chẳng hạn xe bus có đường đi và tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều.

Tại TP Jakarta (Indonesia) chính quyền cũng cho một tháng thử nghiệm để giúp người dân làm quen với việc “bị cấm”. Lệnh cấm bắt đầu từ ngày 17/12/2014 đến ngày 17/1/2015, áp dụng 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần tại 2 tuyến đường lớn là Jl. MH Thamrin và Jl. Medan Merdeka Barat. TP đồng thời cung cấp 20 xe buýt, trong đó có 10 xe buýt hai tầng chở người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Bắt đầu từ tháng 2/2015, sau một tháng thử nghiệm, Jakarta áp dụng lệnh cấm xe máy ở một số khu vực và tuyến đường trung tâm - nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

“Khoảng chờ” này cũng được Hà Nội nghiên cứu áp dụng. Trong dự thảo đề án dự kiến đến 2025 cấm xe máy các quận nội đô nhưng hạ tầng giao thông khó đáp ứng kịp. Chính vì vậy, Hà Nội linh hoạt lùi thời điểm cấm xe máy đến 2030. Từ nay đến lúc đó, người dân và chính quyền có khoảng 13 năm để chuẩn bị, TP cũng dần hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng như: Tuyến đường Vành đai (1, 2, 2,5, Vành đai 3,5), trục xuyên tâm hồ Tây - Ba Vì, mở rộng trục QL6, đường trên cao hay các tuyến đường sắt đô thị…Đáng chú ý, từ nay đến năm 2020, Hà Nội còn tăng gấp đôi lượng xe bus. Ngoài ra, thiết kế kết nối để người dân chuyển từ phương tiện công cộng này sang phương tiện công cộng khác thuận tiện như từ xe bus sang tàu điện.

Việc Hà Nội đưa ra vấn đề cấm xe máy tuy không mới nhưng cần thiết. Có người phản đối, có người ủng hộ nhưng tạo cơ hội đánh động cho người dân biết việc đó để tham gia ý kiến với cơ quan Nhà nước. Tôi cho rằng, trong khoảng 13 năm chuẩn bị, những ý kiến đề xuất đồng tình hay không đồng tình đều cần thiết nhằm tạo ra sự phản biện xã hội để giải quyết mâu thuẫn hiện nay.

Ông Phạm Sỹ Liêm  Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam