Cảnh báo bệnh dạ dày ở trẻ em đang gia tăng

Theo Sức khỏe Đời sống
Chia sẻ Zalo

Trong các bệnh lý về dạ dày thì có 3 bệnh hay gặp nhất: Viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Ba bệnh này liên quan mật thiết với nhau...

Trong các bệnh lý về dạ dày thì có 3 bệnh hay gặp nhất: Viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Ba bệnh này liên quan mật thiết với nhau, viêm bao giờ cũng đi trước, dần đến loét và tiến triển thành ung thư. Trẻ em chủ yếu bị viêm dạ dày là chính, loét rất hiếm gặp. Các chuyên gia nhi khoa cảnh báo, bệnh về dạ dày ở trẻ em đang gia tăng, một phần là do học sinh phải học tập quá căng thẳng, không phù hợp với đặc điểm về thể lực, tâm lý lứa tuổi và trình độ tiếp thu...
Viêm dạ dày không được điều trị sớm dễ dẫn đến loét.
Nguyên nhân cơ bản của bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày được coi là căn bệnh của cuộc sống hiện đại, là những tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Xã hội càng phát triển kéo theo nhiều áp lực thì bệnh viêm dạ dày càng tăng lên. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất. Học ở trường, học ở lớp học thêm và học ở nhà, không còn thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí... Tất cả học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông dường như phải học quá nhiều. Sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, strees, trở thành gánh nặng cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm dạ dày nói riêng.

Một nguyên nhân cơ bản thứ hai là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP). Kinh tế phát triển lại tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn: thức ăn đường phố, nguồn nước, môi trường, lối sống... ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa không đáp ứng kịp mà gây nên bệnh. Việc nhiễm vi khuẩn HP thường bắt đầu khi còn nhỏ, có khi 1-2 tuổi đã mắc, gặp nhiều nhất là khi trẻ 7-8 tuổi. Việc trẻ bị viêm dạ dày từ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh suốt đời, việc điều trị khó hơn và bệnh dễ tái phát nên vấn đề quan trọng là cần phát hiện sớm để được điều trị tích cực, kịp thời.
Biểu hiện viêm dạ dày ở trẻ không giống người lớn

Khi bị viêm dạ dày, trẻ sẽ không muốn ăn hoặc ăn không được vì đau, vì cảm giác khó chịu, đầy bụng sau ăn hoặc nếu có ăn được thì thức ăn sẽ không được nghiền trộn và chuyển hóa tốt, kết quả là cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, hoạt động của toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể sẽ suy yếu đi mà biểu hiện rõ nhất là trẻ thường mệt mỏi, da xanh, gầy sút, uể oải, hoa mắt, hay hồi hộp, căng thẳng, mất tập trung.

Trẻ bị viêm dạ dày có biểu hiện đau bụng. Tuy nhiên, đau bụng ở trẻ thường không giống người lớn. Đau có thể liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn. Bệnh có thể tăng lên khi ăn thức ăn, đồ uống kích thích niêm mạc dạ dày như chuối, đu đủ. Mặt khác, cơn đau bụng do viêm dạ dày ở trẻ em diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị, không có triệu chứng đau âm ỉ, ợ chua như bệnh dạ dày ở người lớn. Cũng có trường hợp trẻ đau bụng dữ dội, trẻ lăn lộn giống với triệu chứng đau do giun chui ống mật nên các bậc cha mẹ tưởng con mình bị đau bụng do giun.

Trường hợp viêm dạ dày ở trẻ có biểu hiện rất rõ là đau bụng tái diễn, nôn và buồn nôn, đi đại tiện ra máu tươi hoặc phân đen như bã cà phê.

Bệnh viêm dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa (chảy máu dạ dày), thủng dạ dày, hẹp môn vị (ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn và nôn)... ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí lực của trẻ.

Điều trị và phòng ngừa viêm dạ dày ở trẻ thế nào?

Kỹ thuật nội soi dạ dày là một phương pháp hữu hiệu mang lại kết quả chính xác nhất trong việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Việc điều trị viêm dạ dày có thể phân ra hai nhóm chính: Nhóm do không nhiễm và nhóm nhiễm vi khuẩn HP. Tùy theo phân loại này mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có những phác đồ điều trị thích hợp. Nhiều loại thuốc tốt thế hệ mới có tác dụng điều trị cả nguyên nhân lẫn triệu chứng. Tuy nhiên, việc điều trị phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tránh nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn HP.
Lời khuyên của thầy thuốc

Bên cạnh việc dùng thuốc, nhằm bình thường hóa chức năng của dạ dày, tăng cường hệ thống tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc dạ dày cần loại trừ các yếu tố gây bệnh như strees, áp lực tâm lý, căng thẳng, thức khuya... Cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP từ thức ăn là không nhỏ. Ăn uống khoa học, ăn chín, uống sôi, ăn đúng bữa, không ăn quá no, không ăn quá khuya, không vừa ăn vừa chạy nhảy, vừa ăn vừa đọc sách, xem tivi hoặc sử dụng các thiết bị điện tử... Khi có các triệu chứng về tiêu hóa như: đau bụng, chán ăn, khó tiêu, nôn, tiêu chảy, táo bón... cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần