[Cảnh báo cơn sốt đất đang bị đẩy xa hơn giá trị thực tế] Kỳ 4: Cảnh báo làn sóng đất ảo, một loạt cổng điện tử im tiếng

Khắc Hạnh/Pháp luật & Xã hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn cơn sốt đất xa rời giá trị thực tế, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, tại một số địa phương việc tuyên truyền nhằm hạ cơn sốt đất vẫn rất chậm, thậm chí hàng loạt cổng điện tử (CĐT) của Sở TN&MT, UBND các huyện Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa… gần như im tiếng.

 Tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất những ngày tháng 3, xuất hiện dấu hiệu tư nhân gom đất rồi tự ý phân lô bán nền. Ảnh: K.H.

Không thấy cảnh báo?
Trước cơn sốt đất đang diễn ra tại không ít quận, huyện, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo tới các sở ngành, quận, huyện minh bạch thông tin; ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý...
Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng có chỉ đạo giao cấp ủy, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác tuyên truyền, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất, xây dựng công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn...
TP yêu cầu các Sở TN&MT, Tài chính khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Không hiểu công tác quản lý của mình với các địa phương ra sao nhưng vào CĐT: http://sotnmt.hanoi.gov.vn của Sở TN&MT chúng tôi không hề thấy thông tin cảnh báo cho người dân về giá đất có chiều hướng sốt ảo tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Thông tin mới nhất chỉ liên quan đến kỳ thi tuyển công chức 2020 trên máy tính; Thực trạng và giải pháp về chất lượng môi trường không khí.
Tại các chuyên mục liên quan như: “Đất đai”, bài viết mới nhất cập nhật ngày 23/3/2021 là: “Kết nối liên thông điện tử đất đai: Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi”. Nội dung bài viết không liên quan đến chỉ đạo của TP về kiểm soát giá đất hay cảnh báo liên quan khác. Ngoài một bài viết khác đăng ngày 5/1/2021, còn lại là các bài viết đăng tải trong năm 2020 trở về trước. Mục “Cải cách hành chính” cũng vậy, không thấy thông tin của Sở này về các địa phương và ngược lại về kiểm soát cơn sốt đất.
Cơn sốt đất những ngày qua diễn ra tại các xã Xuân Canh, Hải Bối… huyện Đông Anh. Trả lời báo chí, lãnh đạo huyện này cho biết đã có chỉ đạo các phòng, ban tuyên truyền đến người dân, tránh để môi giới "đẩy giá đất" dẫn đến bất ổn trong diễn biến về bất động sản. Người dân cần chắt lọc thông tin, nắm chắc thông tin để đi đến quyết định cuối cùng trước khi giao dịch.
Khi chúng tôi truy cập vào CĐT: https://donganh.hanoi.gov.vn/ không hề thấy có bài viết riêng hay thông tin cụ thể nào của UBND huyện cảnh báo người dân về những nguy cơ trong các giao dịch đất đai không sát thực tế, không rõ ràng khi quy hoạch hai bên sông Hồng tận tháng 6 mới có công bố chính thức của TP. Người dân muốn tìm hiểu một thông tin chính thống, một quan điểm rõ ràng của lãnh đạo huyện và các phòng ban liên quan về thực trạng đất đai tại các xã đang diễn ra sôi động các môi giới, giao dịch về đất đai nhằm đón trước quy hoạch sông Hồng gần như không có.
Tại huyện Ứng Hoà, vào CĐT: https://unghoa.hanoi.gov.vn/ chúng tôi không hề thấy thông tin cảnh báo người dân, các nhà đầu tư không mạo hiểm mua hay đầu cơ đất trước những tin đồn không rõ ràng về một sân bay thứ hai từ phía UBND huyện.
Thạch Thất những ngày này được biết đến với cơn sốt đất đang diễn ra tại xã Đồng Trúc, Tiến Xuân và một loạt DA khác đang được TP lên kế hoạch thu hồi vì chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, kéo dài nhiều năm chậm, thậm chí không triển khai. Nhằm tìm những thông tin chỉ đạo của TP cũng như chỉ đạo của lãnh đạo huyện tới các xã, khuyến cáo tới người dân về thực trạng đất đai đang xa rời thực tế, về những quy hoạch chưa rõ ràng tại xã Đồng Trúc, quả thực rất khó. CĐT: https://thachthat.hanoi.gov.vn không hề có những thông tin cụ thể. Mục: “Thông báo của UBND huyện” chủ yếu đăng tải những thông tìn về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục…
Mục đích của các CĐT là nơi kết nối hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền nhưng rõ ràng trong công tác quản lý, cảnh báo… về thực trạng giá đất xa rời thực tế, có nguy cơ vi phạm pháp luật, tiềm ẩn những rủi ro không đáng có, rõ ràng các trang điện tử tại các sở ngành, huyện nói trên chưa phát huy hết chức năng của mình.
Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương
Trước tình hình sốt đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, ngày 20/3, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã đưa ra quan điểm cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn. Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính khuyến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các DA đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât; cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất…
Theo ông Đính, các địa phương cần quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch… trên địa bàn; đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân nắm được và thận lợi khi tiếp cận thông tin. Đặc biệt, các địa phương cần chú ý kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường, nhất là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, gây bất ổn.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật Hoàng Hưng cho rằng, gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc kìm hãm các cơn sốt đất là việc cần làm. Thậm chí, TP cần làm rõ hiện tượng sốt đất này có sự góp tay của lãnh đạo địa phương và người thân hay không. Đừng nhìn những giao dịch đất đai nói trên ở góc độ dân sự, bởi ẩn sâu trong đó là những hậu quả khôn lường về hình sự.
Không ít gia đình bất an chỉ vì dám chơi canh bạc lớn, vay ngân hàng mua đất, để rồi khi đất mua sai vị trí, xuống giá thê thảm, lúc đó nợ ngân hàng, thậm chí nợ tín dụng đen đè nặng mới thấy lòng tham của mình phải trả giá đắt. Đó là chưa kẻ đến những tiềm ẩn, nguy cơ về hình sự khi mẫu thuẫn về kinh tế liên quan đến đất đai, từ đó sinh ra oán thù nhau. Đáng nói hơn vẫn là tình trạng đất nông nghiệp, đất vườn, rừng… được người mua, bán tự ý giao dịch cho dù đây là việc làm không đúng với các quy định của pháp luật.
Tháng 3, trong buổi Tọa đàm bất động sản mùa xuân lần I, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà phân tích, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng sốt đất đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những cơn sốt đất ở Ba Vì, hay như mới đây ở Bình Phước... là những ví dụ điển hình, bởi ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông.
(Còn nữa)
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển DA để “tạo sóng”. Điều này sẽ cản trở lớn đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Bởi trên thực tế, tăng giá đất sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng… Như vậy, phát triển kinh tế tại những địa phương nơi có sốt đất sẽ khó khăn hơn. Khi đó, giá đất sẽ quay đầu giảm mạnh khiến những người đầu tư đất chưa kịp bán ra thua lỗ nặng, nhất là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình.