Nguy cơ mất an toàn hồ chứa thủy lợi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn mưa lũ diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ vừa qua, các hồ chứa thủy lợi đã góp phần quan trọng cắt lũ, giảm nguy cơ ngập lụt cho vùng hạ du.

Tuy nhiên, hiện trạng xuống cấp của nhiều hồ chứa đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Vai trò quan trọng trong cắt, giảm lũ

Đợt mưa lớn diễn ra tại khu vực Trung Bộ tháng 10 khiến lưu lượng nước về hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) có thời điểm lên tới 5.000m3/s. Tuy nhiên, đơn vị quản lý chỉ xả điều tiết 500 - 600m3/s, giữ lại phần lớn lượng nước để thực hiện cắt lũ. Theo đánh giá, việc vận hành hồ Tả Trạch cùng với các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới đã giảm ngập lụt cho TP Huế hơn 60cm.

Hồ Tả Trạch thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng trong cắt giảm lũ. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cùng với hồ Tả Trạch, trong thời gian mưa lũ diễn ra, hồ Phú Ninh (Quảng Nam) đã giữ lại hồ 150 triệu mét khối, bằng tổng lượng nước đến trong toàn bộ thời gian mưa lớn, giúp cắt giảm lũ cho TP Tam Kỳ và các huyện: Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình. Hồ Nước Trong (Quảng Ngãi) cùng với hồ thủy điện Đắk Đrinh đã cắt giảm lũ cho TP Quảng Ngãi và các huyện Sơn Trà, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh. Các hồ Núi Một, Thuận Ninh (Bình Định) cùng với 3 hồ thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Trà Xóm 1 giúp cắt giảm lũ cho TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong đợt mưa lũ diễn ra tại Trung Bộ, các hồ thủy lợi nêu trên đã cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu mét khối trong tổng số 1,27 tỷ mét khối nước về hồ (chiếm tỷ lệ gần 50%), góp phần giảm ngập lụt đáng kể cho vùng hạ du và bảo đảm an toàn cho các công trình hồ đập.

350 hồ chứa “có thể vỡ bất cứ lúc nào”

Dù đến nay, hầu hết các hồ chứa thủy lợi Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung vẫn đang ở mức an toàn, tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn thường trực. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 18 sự cố về hồ chứa. Cụ thể, Hòa Bình (4 hồ); Thanh Hóa (3 hồ); Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa - mỗi địa phương 2 hồ; Thái Nguyên, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam - mỗi tỉnh một hồ. Trong số các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, nhóm hồ dung tích vừa và nhỏ có tràn tự do tiềm ẩn rủi ro cao hơn, bởi đây là các hồ chứa được xây dựng từ rất lâu (những năm 1960 trở về trước), hệ thống đập chủ yếu bằng đất và do huyện, xã quản lý... Đáng chú ý, Hà Nội cũng có 98 hồ thuộc nhóm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn này.

Đối với các hồ chứa thủy lợi nhỏ có tràn tự do, giải pháp đang được các địa phương áp dụng phổ biến hiện nay là chống tràn qua đập và hạ thấp mực nước hồ bằng cách mở rộng tràn xả lũ. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án mang tính tạm thời. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh bày tỏ lo ngại, trong tổng số 1.200 hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp nghiêm trọng trên cả nước, hiện có 350 hồ chứa xung yếu, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Theo đó, để bảo đảm an toàn các công trình, về lâu dài, ông Tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để sửa chữa 750 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng theo ông Tỉnh, tháng 8/2016, Ngân hàng Thế giới đã ký kết dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cấp 450 hồ chứa thủy lợi tại 34 tỉnh, với tổng nguồn vốn 430 triệu USD. Tuy nhiên, kinh phí bố trí năm 2017 mới được… 1 triệu USD, phục vụ triển khai các công trình thuộc 7 tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Bình Thuận. Do đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục quan tâm rà soát, bố trí nguồn vốn thường xuyên và tập trung, để thực hiện dự án trên bảo đảm hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần