Cảnh báo núp bóng người khuyết tật để kiếm tiền

Lan Ngọc – Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng đêm, khắp các con phố của Hà Nội, các đoàn nghệ thuật nhân đạo vẫn tự do dựng sân khấu hát ngoài trời để quyên tiền nhân đạo.

Đằng sau ánh đèn sân khấu ấy không chỉ là câu chuyện số phận kém may mắn của người khuyết tật (NKT), mà còn là những góc khuất của tiền công và miếng cơm manh áo.
Hát khản tiếng, nhận công 10 ngàn đồng
Ở Hà Nội, mỗi khi màn đêm xuống, bất kể trời nóng hay lạnh, không khó để bắt gặp những sân khấu tạm bợ của các nhóm xưng danh từ thiện ở các ngã tư, ngã ba đông đúc hát rong xin tiền các nhà hảo tâm. Dạo quanh các con phố từ ngoại thành đến khu vực trung tâm như đường Nguyễn Xiển, ngã tư Đê La Thành – Hào Nam, ngã tư Trường Chinh – Giải Phóng, ngã ba Phạm Hùng – Đỗ Đức Dục, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Hồng... đâu đâu cũng tiếng nhạc nỉ non lay động tình cảm của khách qua đường. Đi kèm với sân khấu đơn sơ rộng chưa đầy 4m2 là dàn loa công suất lớn với đèn chiếu sáng, bàn âm ly điều khiển âm thanh, micro... Những nhóm nghệ thuật nhân đạo với dăm ba nghệ sĩ đã biến những thứ được lắp ráp vội vã ấy thành một sân khấu sáng đèn suốt tối.

Một chương trình biểu diễn của người khuyết tật trước cửa Cung Trí thức Hà Nội chiều tối 12/5. Ảnh: Thanh Loan

Giành giật từng mét khoảng không ở các ngã ba đường, 3 - 4 NKT thay nhau hát khản tiếng từ 18 giờ đến 22 giờ/ngày nhưng mỗi người chỉ nhận mức lương 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. “Tính ra mỗi bài hát chúng tôi được trả 10 - 20 ngàn đồng” - chị Nguyễn Hoa (Thái Nguyên) - Trung tâm chất độc da cam Linh Đàm (thành viên trong đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long) tâm sự. Biết mức thu bèo bọt nhưng chị Hoa vẫn gắn bó sân khấu đường phố này đến 10 năm, bởi vì nghĩ đến cảnh bố mất, mẹ già không nơi nương tựa, người bị thương tật vì bị ảnh hưởng chất độc da cam như chị Hoa không cam lòng không thể mang chút năng khiếu ra lao động.
Thực tế, mỗi nhóm “nghệ sĩ” vô cùng đặc biệt này luôn chỉ có 3 – 4 ca sĩ là thực sự biểu diễn. Mỗi lần biểu diễn, họ thường hát cả một series các bài liên tục. Cứ vậy, một đêm biểu diễn của họ kéo dài 4 tiếng không ngừng nghỉ. Ngay đằng sau phông bạt của các nhóm nghệ thuật này, luôn có sự “điều phối” của những người khác. Cũng giống như chị Hoa, rất nhiều NKT ở các nhóm hát khác chỉ biết hát, nhận những đồng tiền hẻo. Họ không biết mỗi tối cả nhóm nhận được bao tiền của người qua đường. Phóng viên tìm cách tiếp cận, NKT né tránh, người dưới danh nghĩa giúp đỡ NKT luôn giữ thái độ dè chừng. Khi buổi biểu diễn kết thúc, những “nghệ sĩ” khuyết tật được một số người lành lặn lặng lẽ dùng xe chở về nhà trọ, chuẩn bị cho đêm “nghệ thuật” nhân đạo vào hôm sau.
Núp bóng để bảo kê?
Cuối tháng 4/2017, sau khi thấy quá nhiều hiện tượng “chướng tai gai mắt” đã được phản ánh từ chương trình nghệ thuật nhân đạo, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra đột xuất 2 buổi biểu diễn của 2 đoàn Nghệ thuật nhân đạo Cội nguồn và Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long. Các đoàn này đều bị yêu cầu thu dọn sân khấu, đạo cụ, dừng buổi biểu diễn không chỉ vì không có thỏa thuận địa điểm biểu diễn mà có khi đoàn 7 - 8 người nhưng chỉ 1 người đưa ra được giấy xác nhận khuyết tật. Ai khuyết tật, ai núp bóng NKT để kiếm tiền, thanh tra ngành văn hóa chưa đủ chứng cứ và thẩm quyền để làm sáng tỏ. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 10 đoàn hát, chia nhau dựng ở các địa điểm khác nhau trên các con phố. Nhiều đoàn lấy tên các trung tâm từ thiện để hoạt động và thuê người khuyết tật hát nhưng thực chất, trung tâm này không tồn tại. Thực tế đúng là có việc nhiều NKT bị lợi dụng và không được đảm bảo quyền lợi.
NKT xứng đáng nhận được sự sẻ chia của cộng đồng xã hội, của những người may mắn hơn họ. Nhưng đến khi nào sự sẻ chia ấy không còn bị ám ảnh bởi mức lương cao hơn 1 triệu và không bị trả chậm dành cho NKT thì người tốt mới có niềm tin lòng tốt không bị lợi dụng.
Trong công văn số 1988/UBND-KGVX  ngày 27/4/2017,  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật của TP nói chung, các chương trình nghệ thuật của các đơn vị NKT. Nội dung công văn chỉ rõ UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa bàn đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng của các Trung tâm hướng nghiệp, Câu lạc bộ tình thương hoặc các Hội liên quan đến NKT, đúng quy định pháp luật và TP, bảo đảm đúng mục đích, ý nghĩa nhân văn các hoạt động trên.
Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội Phan Thị Bích Diệp:
“Tôi có nghe được thông tin bảo kê tổ chức”
“Hội Người khuyết tật (NKT) TP Hà Nội không liên doanh, liên kết với các đơn vị nào trong việc tổ chức sân khấu ngoài đường phố để NKT biểu diễn hàng đêm” - bà Phan Thị Bích Diệp – Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội khẳng định với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Thời gian gần đây, rất nhiều sân khấu nhỏ mang danh nghĩa nghệ thuật tình thương có sự tham gia của NKT được dựng lên tại nhiều đường phố của Hà Nội. Bà có thể cho biết có nhiều hội viên của Hội NKT TP tham gia vào hoạt động này?
- Hà Nội có tới 100.000 NKT, trong đó hội viên của Hội chỉ 10.000 người. Vì thế rất có thể những NKT biểu diễn văn nghệ đó không phải là thành viên của Hội nên chúng tôi không biết con số bao nhiêu.
Chủ trương của Hội có tạo điều kiện và khuyến khích các hội viên tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, quyên góp tiền ở các đường phố không?
- Chúng tôi biết hoạt động này mang lại thu nhập cho NKT có năng khiếu ca hát, nhưng cách làm hiện nay đang gây nên những hình ảnh không đẹp mắt đối với công chúng Thủ đô nên chúng tôi không khuyến khích. Chúng tôi không ủng hộ hình thức xin sự thương hại của người đi đường thấy thương cảm bỏ vài đồng tiền vào hộp từ thiện mà chẳng cần xem. Cách làm đó không chỉ phản cảm mà nhân phẩm của NKT bị giảm đi rất nhiều.
Hội khuyến khích những hoạt động văn hóa tinh thần cho hội viên. Thể hiện rõ nhất ở hội NKT cấp quận, huyện, thị xã có nhiều câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ. Các anh chị em khuyết tật tổ chức những chương trình văn nghệ để biểu diễn cho người dân địa phương thưởng thức, trong sinh hoạt thường kỳ của họ. Tất nhiên, những CLB này được các tổ chức, chính quyền địa phương quản lý. Đơn cử, Hội NKT huyện Đông Anh có nhiều hội viên có năng khiếu ca hát, đã đầu tư xây dựng một CLB văn hóa văn nghệ, lên chương trình tập luyện riêng. CLB này tham gia những hợp đồng biểu diễn cho ban, ngành, đoàn thể hoặc ở cộng đồng dân cư và có thù lao.
Bà có nắm được thông tin có sự bảo kê, bao thầu của một số người đối với tất cả các sân khấu biểu diễn ngoài đường này của NKT. Những người lao động chính là NKT không nhận được thù lao là mấy, tiền lời rơi vào tay người bảo kê? Nếu có thì Hội đã làm gì để bảo vệ các hội viên?
- Là người làm công tác ở Hội NKT TP Hà Nội, tôi có nắm được thông tin có nhóm người không khuyết tật đứng ra bảo kê tổ chức cho anh em bị khiếm khuyết trên cơ thể nhưng có năng khiếu ca hát đứng hát trên các sân khấu nhỏ tạm bợ trên vỉa hè đường phố. Nhưng thù lao trả lại cho NKT không được bao nhiêu. Về việc này, cách đây mấy tháng, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội. Tôi nghĩ, Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở VH&TT để chấn chỉnh hoạt động này. Với tư cách là Hội của những NKT, có lẽ tới đây chúng tôi sẽ có văn bản gửi Sở LĐTB&XH Hà Nội đồng thời nghiên cứu, xem xét đơn vị nghệ thuật nào để có thể liên kết, tạo điều kiện cho các bạn có năng khiếu ca hát được trình diễn cũng như mang lại thu nhập. Nếu NKT có năng khiếu ca hát được phép biểu diễn văn nghệ ngoài trời thì phải đàng hoàng. Tức là các bạn ấy biểu diễn và có công chúng xem.
Xin cảm ơn bà!

Trần Oanh thực hiện