Cảnh báo tín dụng tăng trưởng cao

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tốc độ tăng tín dụng - trên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) - cho thấy có lý do cần quan ngại” - Báo cáo mới nhất cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố sáng 13/4 chỉ ra.

Báo cáo của WB cho hay, dù lãi suất chính sách vẫn không thay đổi nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn lên đến khoảng 19% (so với tháng 12/2016). Tốc độ tăng tín dụng - trên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) - cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt khi áp lực nợ xấu trong quá khứ chưa được giải tỏa. “Chúng tôi nghĩ cần theo dõi việc tăng trưởng tín dụng nhanh chóng sẽ tăng mức huy động nợ trong nền kinh tế, trong bối cảnh quan ngại về chất lượng tài sản và nợ xấu ngày càng tăng…”, các chuyên gia của WB khuyến nghị.
 Khách hàng giao dịch tại một Chi nhánh của VPbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Liên quan đến tỷ giá, năm qua tương đối ổn định, mặc dù VND bắt đầu có hiện tượng mất giá vào cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã từng bước khôi phục được dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, “trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và hầu hết đối tác thương mại chính của Việt Nam đều giảm mạnh tỷ giá, khả năng VND tăng giá thực và khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một quan ngại” - ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài chính sách tiền tệ, ông Ousmane Dione cũng chỉ ra thách thức lớn của Việt Nam hiện tại là đảm bảo tính bền vững của tài khóa trong trung hạn. Đó là bội chi ngân sách cao và kéo dài trong những năm qua và chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam năm nay khoảng 6,3%, nhỉnh hơn năm ngoái 0,1%, nhờ tâm lý tốt trên thị trường và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hai năm tới, tốc độ này sẽ tăng nhẹ lên 6,4%. Dù vậy, những con số này vẫn thấp hơn mục tiêu 6,7% năm nay mà Chính phủ đề ra. “Môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện trong 3 năm qua, nhờ các chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn cần tăng năng lực cạnh tranh để chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài. Kinh tế thế giới biến động mạnh có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư khiến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm hơn. Tâm lý bảo hộ và rủi ro liên quan đến các biện pháp bảo hộ tại các nền kinh tế lớn sẽ là những thách thức với Việt Nam”, Báo cáo của WB chỉ ra và cho rằng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa.
Đề cập đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, ông Sudhir Shetty - Kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho rằng, việc tăng cường đưa máy móc vào sản xuất có thể dẫn đến dư thừa lao động trong ngắn hạn. Vì vậy, các nhà hoạch định cần lưu ý và điều chỉnh chính sách cho phù hợp.