Căng thẳng với Mỹ vì mua S-400 khiến đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc kỷ lục

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp lịch sử so với đồng USD trong phiên 8/10, xuống còn mức 1 USD đổi được 7.942 lira.

Một nhà phân tích nói với CNBC cho biết Mỹ có thể “tung” biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Washington chỉ trích trước thông tin Ankara đang có kế hoạch thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
 Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ rớt giá kỷ lục so với đồng USD trong ngày 8/10.
Ngoài việc đối phó đại dịch Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức hai con số, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục  và thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao.
Trước lo ngại Mỹ có thể áp đặt biện pháp trừng phạt vì hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc về mức thấp kỷ lục so với đồng bạc xanh trong phiên giao dịch ngày 8/10, xuống còn 7.942 lira “ăn” 1 USD.
Đây là đợt giảm mạnh nhất của đồng lira trong 2 năm gần đây, một phần cũng do ảnh hưởng từ việc tham gia của Ankara trong hàng loạt các cuộc xung đột địa chính trị, bao gồm Libya và xung đột  Nagorno - Karabakh, tranh chấp tài nguyên tại đông Địa Trung Hải và hợp đồng đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Trước đó, hôm thứ Tư, Mỹ tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ việc hợp đồng mua tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi có thông tin Ankara chuẩn bị thử nghiệm hệ thống phòng không mua từ Nga bất chấp sự phản đối gay gắt từ Washington và các đồng minh NATO.
"Chúng tôi đã nắm được thông tin. Chúng tôi tiếp tục phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400, đồng thời lo ngại sâu sắc với thông tin cho thấy Ankara duy trì nỗ lực đưa hệ thống S-400 vào hoạt động" - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Washington nhấn mạnh thương vụ S-400 giữa Ankara và Moscow vẫn là "trở ngại lớn trong quan hệ song phương Mỹ - Thổ và quan hệ với NATO, cũng như gây nguy cơ kích hoạt các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh Cấm vận (CAATSA)".
Giới phân tích kinh tế cho biết quan hệ căng thẳng với Mỹ và nguy cơ bị áp đặt lệnh trừng phạt từ Washington cũng là một trong nguyên nhân đẩy giá đồng lira mất giá mạnh trong những năm gần đây, trong đó có cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2018 khiến giá trị đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 30% và đẩy lạm phát của nước này lên 25%.
“Chính quyền Ankara đang ở thế khó và không dễ dàng đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn rút khỏi bất kỳ cuộc xung đột nào mà nước này đang tham gia”, Agathe Demarais - giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết. “Vì vậy, có rất ít khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng liên quan đến bất kỳ cuộc xung đột nào mà Ankara cũng là bên tham gia, điều này chắc chắn sẽ khiến đồng lira tiếp tục biến động trong tương lai”.
Chuyên gia Demarais cảnh báo rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400.
 Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017.
Ông cũng lưu ý rằng Ankara tiếp tục đối mặt những khó khăn tiềm tàng nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. “Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ có thể sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2018 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể lặp lại và sẽ làm trật bánh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19".
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 9 tăng 11,75% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn thấp hơn dự báo của các nhà phân tích, và “không đáng khích lệ” vì lạm phát lõi tăng cao hơn”, chiến lược gia cấp cao Timothy Ash tại Bluebay Asset Management, nhận xét. Việc tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 vừa qua tăng chậm hơn dự kiến ​đã giúp hạn chế ảnh hưởng từ việc đồng lira suy yếu.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chịu áp lực từ chính sách của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, bao gồm không tăng lãi suất để giúp kiềm chế lạm phát, và chưa có dấu hiệu chấm dứt căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, nguy cơ đồng lira tiếp tục rớt giá ngày càng rõ ràng hơn./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần