Tiền mất - tật mang
Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, đối tượng Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…
Cơ quan điều tra cũng xác nhận, bằng cách hoạt động bất động sản theo hình thức đa cấp và vẽ các dự án “ma”, bán nền trên đất nông nghiệp, tính đến ngày 30/6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu về số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), hiện nay trên thị trường có rất nhiều dự án giao dịch theo hình thức trên giấy mà chưa mà có sự tồn tại trên thực tế. Sự việc của Công ty Alibaba đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thói quen mua nhà - đất theo hiệu ứng tin đồn, nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời của người Việt.
“Hiện nay trên mạng xuất hiện khá nhiều các dự án ảo, quảng cáo bán hàng nhưng trên thực tế thì lại chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hoặc những dự án tuy đã có quyết định phê duyệt 1/500, nhưng lại chưa được đầu tư hạ tầng theo quy định đã “ngang nhiên” phân lô, cắt nền để bán. Những dự án này mang đến rất nhiều rủi ro cho người dân, khi bị thanh tra đưa ra ánh sáng thì người dân lại lâm vào cảnh tiền mất - tật mang” - ông Ngọc nói.
Các chuyên gia cho rằng, do nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân, đồng thời do sự ít hiểu biết về pháp luật nên không ít người dân đã bị các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi, lừa đảo thông qua các hình thức như: hợp đồng góp vốn, thỏa thuận đặt cọc... từ đó không ít khách hàng đã bị mất tiền oan từ những hình thức lừa đảo như thế này.
Đáng quan ngại, tình trạng lừa đảo để bán các sản phẩm BĐS trong thời gian gần đây không chỉ xuất hiện ở riêng các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà “làn sóng” này đã lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Tìm hiểu kỹ tính pháp lý
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trước những nguy cơ, những tiềm ẩn đầy rủi ro khi giao dịch BĐS, để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh bị kẻ xấu lừa đảo, trục lợi, trước khi tiến hành các giao dịch BĐS, người dân cần phải chú ý đến một số vấn đề:
Vấn đề quan trọng nhất là liên quan để tính pháp lý của các dự án, người dân cần phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, như: Giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án; kiểm tra dự án có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án hay chưa.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra các chứng thư cần thiết như, bảo lãnh tài chính của ngân hàng thương mại để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Cùng với việc rõ ràng về thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan thì khách hàng cũng nên dành thời gian để đi đến thực địa, kiểm tra thực trạng của dự án đã được đầu tư hạ tầng đến đâu, không nên quyết định mua sản phẩm khi mới chỉ được tư vấn trên bản vẽ thiết kế 3D.
Và để tránh những rủi ro có thể xảy ra, thì người dân nên nhờ các văn phòng luật sư đứng ra làm hợp đồng và kiểm tra, xác thực những vấn đề có liên quan đến pháp lý dự án để không gặp phải các dự án không rõ ràng, dự án không có thật
Ngoài ra, đối với những khách hàng lỡ mua phải “dự án ma” cần báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động “lừa đảo” này. Đồng thời mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.