Cảnh báo xuất hiện mã độc virus Corona đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nối tiếp các email cảnh báo về việc kẻ gian giả mạo ngân hàng, lợi dụng các chương trình khuyến mãi, tặng thưởng để hướng dẫn khách hàng truy cập vào đường link Internet Banking giả tạo…, các ngân hàng vừa tiếp tục lưu ý thêm quý khách hàng về tình huống lợi dụng dịch bệnh CoVid-19 để lừa đảo.

 Ảnh minh họa
Ngân hàng Hàng Hải (MSB) vừa cảnh báo khách hàng về các email, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh CoVid-19 để phát tán mã độc nhằm đánh cắp thông tin, ăn cắp tiền trong tài khoản.
Theo MBS, trong bối cảnh các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona thường xuyên được gửi tới quý khách thông qua Email, SMS hoặc các ứng dụng mạng xã hội. Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc (emotet,…) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email.
Các email, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong mail. Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email, tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tài tiền từ tài khoản.
Do đó, MSB lưu ý khách hàng không cung cấp mật khẩu cho bất kỳ ai (kể cả người tự xưng nhân viên ngân hàng) trong bất kỳ trường hợp nào, không mở email được gửi từ những địa chỉ email lạ cũng như không truy cập, không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc thẻ vào đường link lạ được đính kèm trong email.
Ngân hàng Techcombank cảnh báo gần đây tội phạm có khả năng cài đặt số điện thoại "ảo", khiến cho điện thoại của nạn nhân hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Người dân tra lại số đúng với thực tế nên tin đây là cuộc gọi thực sự từ cơ quan chức năng và cung cấp mật khẩu, OTP cho kẻ lừa đảo.
"Một số kẻ gian thậm chí lập số điện thoại gần giống hotline của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản", Techcombank cho biết.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cảnh báo hiện có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín thương hiệu của các ngân hàng nhắn tin, email với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng.
Giả mạo các thông tin cập nhật về dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng tránh dịch viêm phổi qua email, ứng dụng mạng xã hội, hacker có thể phát tán mã độc, lừa người dùng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Không chỉ ngân hàng, trước đó các hãng công nghệ cũng cảnh báo người dùng về việc tin tặc sử dụng các đường dẫn mạo danh các hãng truyền thông đưa tin về virus Corona để dụ mọi người vô tình tải phần mềm độc hại nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Hiện Facebook, Google và Twitter đều đã ban hành các điều khoản đặc biệt để kiểm soát vấn đề này, nhưng tội phạm mạng đang lợi dụng sự hoảng loạn để bẫy những người dùng Internet không nghi ngờ.
Hiện trên thế giới đã xuất hiện tệp mã độc ngụy trang thông tin về virus Corona bị tin tặc tung ra. Những mã độc này khi lây nhiễm vào thiết bị sẽ chiếm quyền kiểm soát, từ đó có thể mất thông tin cá nhân, mất mã thẻ ngân hàng, mất các tài khoản mạng xã hội…thiệt hại về kinh tế là một chuyện, tin tặc có thể dùng tài khoản của bạn để tiếp tục phát tán những thông tin xấu độc, tin giả fakenews…