Canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm dịp Tết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, những ngày này, các cơ sở giết mổ gia cầm sống tại chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm đang hoạt động hết công suất. Chỉ bằng trực quan cũng có thể thấy nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhưng vì tiện lợi nên nhiều người tiêu dùng vẫn tặc lưỡi bỏ qua.

Gian hàng bán thịt lợn gần chợ Hạ, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Khó vì thói quen tiêu dùng

Có mặt tại chợ Bông Đỏ (quận Hà Đông) vào ngày 4/2 (23 tháng Chạp), khu vực buôn bán gia cầm sống khá tấp nập người bán, kẻ mua. Chỉ trong một khoảng không gian chật hẹp, ẩm ướt nhưng có tới hơn chục hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm trực tiếp. Qua quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy nguy cơ mất ATVSTP. Bởi chỉ với 1 nồi nước sôi, vài chậu nước cáu bẩn và 1 máy vặt lông gà, mỗi ngày người kinh doanh có thể giết mổ tới cả trăm con gia cầm. Các công đoạn giết mổ gia cầm đều được tiến hành trên nền xi măng. Trong quá trình giết mổ, thịt gia cầm và nội tạng, phân, nước thải… đều nằm lẫn với nhau trong chậu nước.

Chị Phạm Thị Duyên, chủ một hộ kinh doanh gia cầm tại đây chia sẻ, ngày thường chị bán từ 20 - 30 con gà, vịt, nhưng những ngày Tết thì lượng hàng bán ra tăng lên gấp 3 - 4 lần. Tất cả khách mua hàng đều yêu cầu giết mổ, làm sạch ngay tại chợ, nếu không đáp ứng được thì họ sẽ sang nơi khác mua. Vì thế, ai bán gà, vịt đều phải giết mổ tươi sống tại chợ thì mới có khách.

Lý giải về việc mua gà và giết mổ ngay tại chợ, chị Trần Mỹ Hạnh ở phường La Khê (quận Hà Đông) cho hay: “Vẫn biết là gà giết mổ ở chợ sẽ không được sạch, nhưng vì tiện lợi nên tôi vẫn mua, rồi về nhà rửa lại. Hơn nữa, tôi được tận tay chọn con gà ưng ý mà giá lại rẻ hơn so với gà làm sẵn trong siêu thị”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, hiện toàn TP có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở nhỏ lẻ. Mỗi ngày, ngành chức năng mới kiểm soát được khoảng 60% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn. Phần còn lại được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ chưa qua kiểm soát. “Câu chuyện mất ATTP tại những cơ sở này đã không còn mới, nhưng vì thói quen tiêu dùng của đại đa số người dân nên vẫn tồn tại” – ông Sơn trăn trở.

Vì một mùa Tết an toàn

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, ông Sơn cho biết, các hộ giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong khi lực lượng thú y còn mỏng. Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt dẹp bỏ các cơ sở này. Ban quản lý chợ không kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, kinh doanh các sản phẩm gia súc, gia cầm tại chợ, trong khi người tiêu dùng và các đơn vị tiêu thụ thực phẩm chưa chú trọng lựa chọn mua sản phẩm động vật có dấu kiểm dịch. Đây là kẽ hở lớn tiếp tay cho các đơn vị làm ăn gian dối, trà trộn hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Để đảm bảo ATTP, giúp người dân đón Tết an toàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã yêu cầu các trạm tại 30 quận, huyện thường xuyên kiểm tra đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật và tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP. Đồng thời tổ chức lấy hơn 1.700 mẫu nước tiểu, thịt động vật tại các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán thực phẩm để kiểm tra. Nhằm kiểm soát tốt vấn đề ATTP có nguồn gốc từ chăn nuôi, Hà Nội cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác ATTP tại các địa bàn. “Bên cạnh công tác kiểm soát của ngành chức năng thì bản thân người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng thịt gia súc, gia cầm giết mổ ngay tại các chợ, các điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y” – ông Sơn khuyến cáo.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương hình thành các khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP Hà Nội” gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021 giảm được khoảng 50% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần