Hà Nội: Vẫn canh cánh nỗi lo cháy, nổ tại các chung cư

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các cư dân, một vấn đề rất lớn đang đặt cho các chung cư trên địa bàn TP Hà Nội là làm thế nào thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong bối cảnh có rất nhiều bất cập từ cơ sở hạ tầng cho đến công tác tuyên truyền, tập huấn…

Chưa đầy 50% cơ sở đảm bảo điều kiện PCCC
Theo thống kê mới nhất của Cảnh sát PCCC TP, trong số 960 cơ sở nhà chung cư trên địa bàn TP, mới có 443 cơ sở đảm bảo duy trì các điều kiện PCCC; 517 cơ sở còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, gồm 233 chung cư thương mại, 152 chung cư tái định cư (TĐC), 132 chung cư loại khác.

Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Có 70 chung cư chưa nghiệm thu về PCCC, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục, Cảnh sát PCCC TP đã báo cáo UBND TP yêu cầu chủ đầu tư (CĐT) hoàn thiện hồ sơ, luận chứng báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt các giải pháp áp dụng thay thế. Trong đó, 4 công trình phải chấp nhận phương án thay đổi quy mô, công năng sử dụng một số hạng mục; 1 công trình (tòa nhà Capital Garden - ngõ 102 Trường Chinh) đã được CĐT lập hồ sơ, luận chứng và được Bộ Công an cấp văn bản thẩm duyệt, hiện đang khắc phục (cam kết hoàn thành trước 30/6/2018); còn 10 công trình đang được CĐT xây dựng luận cứ nộp Bộ Công an, cam kết thi công xong trước 30/6/2018.

Lực lượng PCCC Hà Nội tổ chức tập dượt phòng cháy tại một chung cư ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, có tới 457 chung cư phát sinh nhiều tồn tại về PCCC trong quá trình hoạt động, mà trước hết là chưa kịp thời hoàn thiện hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, ban hành quy định về PCCC chưa phù hợp, niêm yết chưa đầy đủ. Nhất là 100% lực lượng PCCC cơ sở tại các chung cư, đặc biệt ở chung cư TĐC không đảm bảo cả về “lượng” và “chất”. Đội chỉ có 3 - 5 thành viên, chủ yếu là nhân viên bảo vệ và kỹ thuật vận hành, ít chung cư có bổ sung cư dân vào lực lượng PCCC; hầu hết lại không được huấn luyện nghiệp vụ định kỳ, nên không nắm bắt kiến thức cơ bản. Trong khi, hàng chục cơ sở không duy trì đường nội bộ cho xe chữa cháy tiếp cận tòa nhà và hoạt động theo yêu cầu, không đảm bảo nguồn nước phục vụ chữa cháy; 148 cơ sở không đảm bảo điều kiện ngăn cháy lan ra theo quy định…

Nhiều hộ cử người giúp việc đi tập huấn PCCC

Lý giải những tồn tại trong công tác PCCC ở các chung cư, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP và các địa phương chỉ ra hàng loạt nguyên nhân. Như tại quận Ba Đình, 100% trong số 26 cơ sở chung cư TĐC không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, trong đó 23 cơ sở thuộc Khu 7,2ha phường Vĩnh Phúc do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý. “Hệ thống PCCC cho khu 7,2ha phường Vĩnh Phúc đã tê liệt hoàn toàn, khi Phòng Cảnh sát PCCC số 2 kiểm tra từ 2013. Tháng 1/2015, TP đã giao Công ty sử dụng nguồn vốn của DN để sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành” - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Anh Dũng phản ánh.

Đáng chú ý, sau một số vụ cháy lớn tại chung cư gần đây, một nguyên nhân được nhắc đến nhiều chính là ý thức chấp hành quy định về PCCC của không ít cư dân còn hạn chế. Nhiều hộ dân làm hư hỏng, mất tác dụng hệ thống PCCC, cửa vào buồng thang bộ, phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn lối thoát nạn; để vật dụng trên hành lang, trong buồng thang bộ cản trở lối thoát nạn… Trong khi, tỷ lệ hộ tham gia hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC rất khiêm tốn. Điển hình tại quận Nam Từ Liêm - nơi có nhiều chung cư thương mại không đảm bảo điều kiện PCCC nhất TP (54 cơ sở), khi Phòng Cảnh sát PCCC số 3 phối hợp với chính quyền, đơn vị quản lý Khu đô thị Mỹ Đình 1 tổ chức tuyên truyền, buổi đầu chỉ có 90 người tham dự và con số này giảm dần, đến buổi thứ ba chỉ còn hơn 10 người, trong đó có những hộ cử người giúp việc đến dự.

Tương tự tại quận Bắc Từ Liêm, nhiều tòa đã được CĐT bàn giao cho cư dân chưa có nghiệm thu PCCC, nhưng “nhiều hội nghị tuyên truyền về PCCC cho các tòa có rất ít người, chủ yếu đảng viên tham dự” - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3 Trung tá Đỗ Minh Tuấn cho hay. Hay tại Thanh Xuân, các buổi tập huấn do Phòng Cảnh sát PCCC số 8 tổ chức cho cư dân các tòa nhà đều chỉ có chưa đầy 30 người tham dự, phần lớn là người giúp việc, người cao tuổi. Càng buổi sau càng ít dần người tham dự.

Theo Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội Đại tá Lê Mạnh Tuấn, với những tòa đã được đưa vào sử dụng từ lâu, dù có hệ thống PCCC, nhưng đến nay qua kiểm tra, phần lớn không còn hoạt động. Với những tòa thi công gần đây, khi bắt đầu nghiệm thu có thể chấp hành nghiêm Luật PCCC, nhưng sau khi được vận hành, hầu như không bảo dưỡng, thay thế nên hoạt động không hiệu quả. “Như tại tòa 34 tầng Trung Hòa - Nhân Chính vừa được kiểm tra, một loạt đường ống đã mục, nhiều họng nước lâu không vận hành” - ông Tuấn cho biết, đồng thời nhận xét: Ở các nước tiên tiến, dù nước sinh hoạt yếu nhưng nước cho chữa cháy luôn đủ, bởi đường nước chữa cháy riêng biệt; trong khi ở nước ta chung hai đường nước này, nên rất khó khăn vào mùa Hè, giờ cao điểm.

Nâng cao kỹ năng PCCC cho cán bộ cơ sở, người dân

Toàn TP còn hàng trăm cơ sở chung cư chưa đảm bảo điều kiện PCCC, với hàng chục chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã cho người dân vào ở; TP quyết định dùng ngân sách để khắc phục, nhưng tiến độ còn chậm. Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn PCCC tại 100% nhà cao tầng; kiểm tra trách nhiệm của CĐT, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành trong thực hiện Luật... “Với công trình nhiều vi phạm, chây ỳ, chúng tôi sẽ đề xuất cưỡng chế, chuyển hồ sơ cho Công an TP xử lý theo luật” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC TP cũng nhận định, quan trọng nhất vẫn là TP đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức PCCC cho CĐT, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, cư dân. Đặc biệt, trong điều kiện nhiều chung cư không có đội dân phòng, bảo vệ phục vụ PCCC cơ sở nào biết sử dụng thiết bị, họng nước chữa cháy, mà mới có 25/30 quận, huyện, thị xã có đơn vị PCCC chuyên nghiệp, một số đơn vị phải kiêm 2 - 3 quận, huyện, thì việc chữa cháy hiệu quả ngay từ đầu vụ cháy ở cơ sở sẽ góp phần rất lớn giảm thiệt hại. Nên, với các tòa cao tầng, rất cần xây dựng, trang bị kiến thức cho đội ngũ dân phòng, bảo vệ phục vụ PCCC tại cơ sở.
Khoảng 19 giờ 25 phút ngày 9/5, một vụ cháy đã xảy ra trên tầng cao công trình trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê trên đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy. Lửa bùng phát tại tầng 25 tòa nhà. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày đám cháy cơ bản được lực lượng cảnh sát PCCC khống chế. Vụ hỏa hoạn này không gây thiệt hại về người.
Kiểm tra nhiều chung cư cho thấy, không có đội dân phòng, bảo vệ phục vụ PCCC cơ sở nào biết dùng thiết bị, họng nước chữa cháy... Trong khi mới có 25/30 quận, huyện, thị xã có đơn vị PCCC chuyên nghiệp, nên một số đơn vị phải kiêm 2 - 3 quận, huyện, vì vậy, nhiều khi sau gần một giờ nhận được thông báo cháy, lực lượng chữa cháy mới đến được hiện trường, khi cháy đã lớn, rất khó khắc phục.
Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội Đại tá Lê Mạnh Tuấn