Canh cánh nỗi lo ngộ độc tập thể

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 26 trường hợp phải nhập viện tại Thạch Thất Hà Nội thêm một lần cảnh báo về vấn đề này.

Từ đầu năm đến nay, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể liên tiếp xảy ra với diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều người lo lắng.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc

Ngay sau khi vụ ngộ độc tập thể tại Trung tâm Đào tạo tiếng Nhật, Công ty CP Thương mại và Phát triển IPM (Thạch Thất, Hà Nội) xảy ra, cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội điều tra, xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc là do món rau cải nấu canh trong bữa ăn tối. Khi ngành chức năng kiểm tra, đơn vị này vi phạm tất cả các quy định về điều kiện ATTP và đã bị đình chỉ hoạt động.

Theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, đây là vụ ngộ độc tập thể đầu tiên của Hà Nội trong năm 2016. Tuy nhiên, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong những tháng Hè hay những lúc thời tiết giao mùa, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp ngộ độc thực phẩm vào điều trị.

Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Hoya, KCN Đông Anh (Hà Nội) đảm bảo ATTP.  Ảnh: Bảo Ngọc

Trước đó, tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) hơn 120 công nhân phải nhập viện trong tình trạng nôn ói, ngất xỉu do ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ca tối. Hay vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Posco VST đóng ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai) cũng đã khiến hơn 100 công nhân ngộ độc thực phẩm cũng mới xảy ra cuối tháng 11. Cùng ngày, gần 100 người ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã phải nhập viện sau khi ăn bánh mì (mì chả, mì trứng, mì patê)... tại một quán trên địa bàn.

Theo thống kê của Cục ATTP, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, khiến hàng nghìn người lao động phải nhập viện.

Khó kiểm soát

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn... Đáng lo ngại nhất, tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài, có thể gây ra những bệnh nguy hiểm khác, trong đó có bệnh ung thư. Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh đối với cộng đồng, người lao động. Tuy nhiên, việc kiểm soát mới chỉ chạm đến phần ngọn, chưa kiểm soát được từ gốc. Cứ mỗi vụ ngộ độc xảy ra, ngành chức năng lại có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra ATTP, nhất là tại bếp ăn tập thể các đơn vị, khu công nghiệp. Nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm cũng như tính chất vi phạm không giảm, ngược lại, ngày càng đáng lo. Lo nhất vẫn là việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, trong thời gian qua, Hà Nội đã dồn lực kiểm soát ATTP, 5 đoàn kiểm tra liên ngành của TP liên tục vào cuộc. Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng đã có nhiều chuyên đề thanh tra, kiểm tra ATTP, đặc biệt có những chuyên đề trọng điểm kiểm tra ATTP bếp ăn các khu công nghiệp. Nhờ vậy, tại các khu công nghiệp chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào, vụ xảy ra tại Thạch Thất vừa qua là vụ đầu tiên trong năm. Tuy nhiên, mối lo ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn khi nguồn nông, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 60 - 65% nhu cầu tiêu thụ, 35 - 40% còn lại phụ thuộc vào nguồn từ bên ngoài đưa vào. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết rằng, đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp - khu chế xuất đã có quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát, 70% vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến (các DN cung cấp suất ăn bên ngoài nhà máy) nên việc kiểm soát khó khăn hơn. Một nguyên nhân nữa khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa các bếp ăn tập thể là do xu hướng sử dụng các bữa ăn giá rẻ rất phổ biến.

Tình hình số lượng các vụ ngộ độc tập thể không tăng mạnh nhưng lại tăng về quy mô ở các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Trung bình mỗi năm, toàn quốc ghi nhận từ 11 - 25 vụ ngộ độc, khoảng từ 890 - 1.860 người bị ngộ độc thực phẩm. Nhằm trang bị những kỹ năng thuần thục cho cán bộ y tế khi xảy ra tình huống thực tế, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị diễn tập điều tra, thực hành các biện pháp xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội  Nguyễn Khắc Hiền