Cảnh giác chiêu lừa “chạy” sổ đỏ

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ vì e ngại thủ tục hành chính, đất đai vướng mắc khó cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhiều trường hợp phải tìm đến dịch vụ cấp sổ đỏ qua “cò” lên đến tiền tỷ.

Tuy nhiên, chính vì sự tin tưởng và không đề phòng nên có những đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Nhiều chiêu lừa từ “cò” dịch vụ

Ngày 15/6, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Thái Duy Phương (sinh năm 1986, ở quận Hai Bà Trưng) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Theo cáo buộc, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thanh Xuân nhận được đơn tố giác của ông T. (SN 1956, ở quận Đống Đa) về việc Thái Duy Phương có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định ông T. được người quen giới thiệu là Phương có khả năng làm được sổ đỏ. Phương đưa ra thông tin gian dối là bản thân có quen biết với cán bộ Sở TN&MT Hà Nội và cán bộ Công an TP Hà Nội, có thể làm được thủ tục cấp sổ đỏ.
Bị cáo Thái Duy Phương tại phiên tòa.
Do tin tưởng nên ông T. đã đưa tiền cho Phương 2,3 tỷ đồng để nhờ anh ta làm thủ tục cấp sổ đỏ cho 7 thửa đất ở quận Thanh Xuân và huyện Quốc Oai. Ngoài ra, Phương còn nhận tiền của bạn ông T. số tiền 2,7 tỷ đồng để làm thủ tục cấp sổ đỏ cho 3 thửa đất. Tổng số tiền Phương đã nhận của 2 người là 5 tỷ đồng.
Quá thời hạn cam kết làm sổ đỏ, Phương đã làm giả 7 giấy hẹn trả kết quả tiếp nhận hồ sơ của Sở TN&MT Hà Nội, đóng dấu giả của Sở để họ yên tâm, không thúc giục nữa. Sau đó, Phương “lặn mất tăm” và chiếm đoạt, sử dụng chi tiêu hết số tiền 5 tỷ đồng đã nhận của các bị hại.
Với hành vi nêu trên, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Thái Duy Phương 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Trước đó, ngày 12/6, Công an quận Hoàng Mai cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nghiêm Xuân Cao (sinh năm 1981, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, biết anh H.T. (sinh năm 1988; trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai) có 2 căn nhà chưa làm được sổ đỏ nên Cao đã nói với anh H.T chuyển cho mình 200 triệu đồng để làm giúp.
Sau đó, Cao nói với anh H.T. là có thể mua giúp một căn biệt thự liền kề ở khu đô thị Louis City với giá rẻ. Tin tưởng Cao, anh H.T đã chuyển cho đối tượng 2 tỷ đồng để đặt cọc mua nhà. Tuy nhiên, khi nhận được số tiền lớn anh T. chuyển, Cao đã lấy để chi tiêu vào việc cá nhân. Sau khi biết mình bị lừa, anh T. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc. Quá trình vào cuộc điều tra, xác minh, Công an quận Hoàng Mai đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ phạm tội của Nghiêm Xuân Cao...
Cảnh giác khi sử dụng dịch vụ

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho hay, hiện nay, tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có số lượng người dân đứng thực hiện thủ tục hành chính rất đông. Với tâm lý e ngại phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính và không có thời gian để tới Văn phòng Đăng ký đất đai hoàn thiện hồ sơ pháp lý nên một số người đã bỏ tiền thuê dịch vụ (hay được gọi là “cò”) làm nhanh các thủ tục này.

Những tên “cò” này tự nhận có sự quen biết các cán bộ, nhân viên của cơ quan Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu của người dân. Vì tin tưởng nên người dân đã trả tiền dịch vụ cho các đối tượng này, sau đó giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc về đất đai cho họ để thực hiện dịch vụ, số tiền thực hiện dịch vụ chỉ vài chục triệu đồng nhưng có khi lên tới vài tỷ đồng đối với những sổ đỏ được gọi là “khó làm".
Sau khi nhận tiền, những đối tượng này không thực hiện dịch vụ, cũng không trả lại tiền. Người may mắn thì nhận lại được hồ sơ gốc về đất đai, những người khác còn mất cả hồ sơ gốc, gây thiệt hại lớn về tài sản và thời gian.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Hoài Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), người dân nên đề cao cảnh giác khi sử dụng dịch vụ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Người dân nên thực hiện dịch vụ tại các văn phòng, DN có trụ sở và địa chỉ liên hệ rõ ràng, có sự tin tưởng. Khi thực hiện dịch vụ phải được đảm bảo bằng các hợp đồng dịch vụ pháp lý phù hợp theo quy định pháp luật, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra gây thiệt hại về tài sản của người dân.

"Hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản là số tiền dịch vụ đã nhận từ người dân của những đối tượng này có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất là tù chung thân." - Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy.