Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo huy động vốn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong thời gian gần đây, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhiều đối tượng thành lập các công ty, tập đoàn tài chính giả, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của nhiều người để lừa đảo với hình thức huy động vốn trả lãi suất cao.

Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo về hình thức lừa đảo này nhưng vẫn còn nhiều người dính “bẫy” mất tiền tỷ.
Nở rộ các doanh nghiệp lừa đảo
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đang điều tra vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; đồng thời đề nghị những ai đã mua tiền kỹ thuật số (tiền ảo) “Vncoins”, liên hệ với cơ quan CSĐT - Bộ Công an để cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án.
Theo điều tra, Nguyễn Hữu Tiến (36 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cùng đồng phạm thành lập Công ty CP đầu tư Thiên Rồng Việt, Công ty CP OTCMAX, Công ty CP VNCOINS và Công ty CP ALLUNEE, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lấy danh nghĩa DN, đưa ra các thông tin không đúng sự thật nhằm lừa dối, lôi kéo các nhà đầu tư tham gia nộp tiền vào công ty; thông qua việc sử dụng mạng internet, tạo lập các trang web “thienrongviet.com”, “otcmax.vn”, “vncoins.vn” quảng bá hình ảnh. Tiến và các đồng phạm đã lôi kéo được 10.126 nhà đầu tư tham gia, với tổng số tiền đầu tư hơn 460 tỷ đồng.
 Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ Công an đã phát đi thông tin cảnh báo về dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ví điện tử PayAsian. Khoảng đầu năm 2019, một nhóm người do Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại quận 11, TP Hồ Chí Minh, là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty CP PayAsian) cầm đầu; thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư vào ví điện tử PayAsian.
Hoạt động của Công ty CP PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an thông báo để người dân cảnh giác tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Những ai đã nạp tiền vào ví điện tử PayAsian có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo hoặc cung cấp thông tin.
Một trường hợp tương tự bằng hình thức huy động vốn kiểu đa cấp, lấy tiền của khách hàng sau trả lãi cho khách hàng trước, với mức lãi suất 18%/tháng và thực hiện trả lãi hàng ngày. Trong khoảng thời gian hơn một năm, Tổng Giám đốc Công ty Miền Đông cùng thuộc cấp đã lừa được 566 khách hàng, chiếm đoạt trên 107,3 tỷ đồng. Được biết, Vũ Phương Long (sinh năm 1980, trú tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) thành lập Công ty Miền Đông và đăng ký hoạt động, kinh doanh tại TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước); đồng thời, thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại các tỉnh, TP gồm: Bình Phước, Bình Dương, Gia Lai, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu và TP Hải Phòng. Trong đó, Long là Tổng Giám đốc công ty, còn Nguyễn Khắc Thắng (sinh năm 1974, trú tại Kon Tum) là Phó Tổng Giám đốc. Biết khó thoát tội, Thắng đã nhanh chân bỏ trốn; còn Long bị bắt và bị khởi tố, điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiền không thể sinh lời một cách bất thường
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho hay, phương thức lừa đảo huy động vốn hiện nay rất đa dạng. Thứ nhất, chúng có thể đóng vai các doanh nhân thành đạt, làm ăn khá giả và huy động vốn trả lãi suất cao. Thời gian đầu, chúng trả lãi suất rất đúng hạn để tạo uy tín cho việc huy động thêm tiền, khi đã huy động được một số tiền rất lớn thì bỏ trốn. Chiêu thức này không mới nhưng đánh vào lòng tham của các nạn nhân.
Điều đặc biệt lưu ý các đối tượng lừa đảo này thường có quan hệ quen biết, cùng làng xã, thậm chí là họ hàng. Thứ hai, các đối tượng thu hút vốn thông qua các mô hình góp vốn kinh doanh làm ăn chung với các hứa hẹn rất hấp dẫn. Đây là loại tội phạm mới nên nhiều người chưa biết đến. Các đối tượng thường tìm đến những người rảnh rỗi hoặc đang có nhu cầu tìm việc làm hoặc nhu cầu đầu tư rồi đưa ra các mô hình kinh doanh hấp dẫn, vận động mọi người lôi kéo thêm những người thân quen cùng tham gia, khi giới thiệu thêm người tham gia thì người giới thiệu sẽ có tiền thưởng. Khi đã huy động được một số tiền lớn, các đối tượng thường bỏ trốn hoặc nhiều trường hợp nạn nhân chuyển tiền nhưng không có chứng từ nên không thể tố cáo các đối tượng…
“Các đối tượng lừa đảo được chủ yếu do sự thiếu hiểu biết và lòng tham của nạn nhân. Nhiều đối tượng lừa đảo xong vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật vì chúng biến vụ việc thành dân sự nên không thể xử lý được. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình, không nên thực hiện việc làm ăn trên mạng với những người không quen biết và những lĩnh vực mà không hiểu biết, đặc biệt không hám lãi suất cao vì chẳng có một khoản đầu tư nào có thể sinh lời một cách bất thường. Bên cạnh đó, khi cho vay mượn tiền hay đầu tư góp vốn kinh doanh cũng cần ghi rõ mục đích của việc cho vay hay đầu tư góp vốn, tránh ghi chung chung đến khi bị lừa đảo lại rất khó xử lý các đối tượng. Hãy nhớ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 yếu tố, đó là có hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản” - luật sư Nguyễn Danh Huế thông tin.
Tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra ngày 6 - 7/7 vừa qua, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện KSND TP Hà Nội Đào Văn Cường thông tin, dịch bệnh Covid-19 dịp đầu năm 2020 bùng phát, diễn biến phức tạp cả ở trong nước và trên thế giới, gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và kinh tế. Do vậy tiềm ẩn nhiều tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, nhiều loại tội phạm xảy ra và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, tập trung vào các loại tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, huy động vốn, tín dụng đen, tội phạm đầu cơ, hàng giả... Do đó, HĐND, UBND TP Hà Nội tăng cường hơn nữa công tác quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý.
Theo các chuyên gia luật, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội trong những năm gần đây đã làm sự tương tác và gắn kết trong xã hội trở nên dễ dàng. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo gia tăng mạnh. Các đối tượng thường khai thác vào 2 điểm yếu chính của các nạn nhân, đó là lòng tham và sự thiếu hiểu biết.