Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mới

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh gửi liên tiếp 3 tin nhắn SMS tóm tắt các hình thức lừa đảo của tội phạm nhằm cảnh báo cho DN, người dân những thông tin cần thiết để nhận dạng, phòng tránh.

Theo đó, liên tiếp trong 2 ngày (ngày 11, 12/4), cơ quan công an cảnh báo về 3 thủ đoạn lừa đảo điển hình. Cụ thể, các đối tượng dùng công nghệ cao tìm cách xâm nhập vào hệ thống email của DN để nắm bắt các thông tin về hợp đồng, tài khoản chuyển tiền… Sau đó, đối tượng tội phạm tạo các email rất giống với email của đối tác để gửi đến DN và yêu cầu chuyển tiền sang tài khoản khác.
 Ảnh minh họa
Đối tượng tội phạm giả mạo là người nước ngoài, làm kỹ sư, quân đội hay bác sĩ… làm quen, yêu hoặc hứa hẹn kết hôn với người trong nước, sau đó chuyển quà tặng có giá trị cho nạn nhân. Chúng cho người giả làm nhân viên giao nhận hoặc nhân viên hải quan yêu cầu người nhận phải đóng tiền thuế bằng cách gửi tiền qua tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng giả làm cơ quan công quyền gọi điện đến nhà nạn nhân, nói nạn nhân liên quan đến một vụ án, hoặc liên quan một vụ rửa tiền, hoặc đang nợ cước internet hoặc tiền điện… Đối tượng dọa nạt nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền thế chân vào tài khoản cho “cơ quan pháp luật”, sau đó sẽ chuyển lại.
Cơ quan công an khuyến cáo, đây là các thủ đoạn không mới nhưng các đối tượng liên tục biến hóa các phương thức nhằm lừa đảo các nạn nhân. Đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này, ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm của cơ quan công an, người dân cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác. Theo đó, trước các giao dịch chuyển tiền, người dân nên kiểm tra kỹ và liên hệ với đối tác xác minh thông tin. Luôn có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân: Khi sử dụng các phần mềm có bản quyền hoặc mã nguồn mở miễn phí phải đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc tải phần mềm; không được dễ dãi tiếp nhận và cài đặt những phần mềm không rõ nguồn gốc, cần hết sức thận trọng khi điền tài khoản ngân hàng cũng như mật khẩu hoặc mật mã để ngăn chặn lộ lọt thông tin cá nhân tạo nên tổn thất về kinh tế; không nên đưa các thông tin cá nhân của thân nhân, bạn bè như họ tên, chức vụ, nghề nghiệp, đơn vị công tác… lên mạng xã hội. Những thông tin này có thể bị các phần tử xấu lợi dụng, nhiều đối tượng lừa đảo trên mạng đã ngụy trang thân phận thật từ những thông tin, hình ảnh bị lộ lọt ở đây; sử dụng các chương trình diệt phần mềm độc hại hoặc tường lửa cá nhân.
Đối với các cơ quan công quyền như công an, viện kiểm sát, tòa án khi làm việc với công dân đều bằng giấy mời hoặc giấy triệu tập. Việc tạm giữ tài sản của công dân được thực hiện bằng văn bản. Đặc biệt, cơ quan công an không mở tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân để yêu cầu người dân chuyển tiền.
Khi người dân gặp phải những dấu hiệu lừa đảo nêu trên cần thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.