[Cảnh giác với lừa đảo thời 4.0] Bài 3: Vạch mặt những thủ đoạn tinh vi

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chiêu trò lừa đảo qua mạng ở Việt Nam thời gian qua phần lớn đều thực hiện phương thức cũ, và đã được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn lừa được không ít nạn nhân mới.

 Đối tượng Lưu Thị Vân (ảnh nhỏ) trú tại Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bán bỉm sữa lừa gần 4 tỷ đồng của bạn hàng trên mạng. Ảnh: Xuân Mai
Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới
Theo một thống kê mới đây của hãng bảo mật Kaspersky, nửa đầu năm 2019, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia phải hứng chịu lượng phát tán trang web lừa đảo nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á. Và hơn 11% trong số đối tượng được kẻ gian ngắm đến đã trở thành nạn nhân. Đáng chú ý, người dùng Việt Nam còn được đánh giá là rất thiếu cảnh giác khi tham gia môi trường trực tuyến.
Ngoại trừ một số vụ có tính chất lừa đảo tinh vi, mới lạ, còn phổ biến vẫn là những phương thức cũ nhưng vẫn lừa được không ít người khi đánh trúng vào sự nhẹ dạ và lòng tham của nạn nhân.
Điển hình cho những thủ đoạn như vậy là việc mạo danh các cơ quan nhà nước thông qua mạng internet để giả mạo số điện thoại, sau đó liên lạc đến số máy của nạn nhân. Kẻ gian thường đe dọa hoặc lừa gạt bằng việc thông báo chủ thuê bao có liên quan tới một vụ án nghiêm trọng, số tiền có trong tài khoản bất hợp pháp. Để không bị rắc rối về mặt pháp luật, người bị hại được hướng dẫn phải chuyển một số tiền vào tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra và sẽ trả lại đầy đủ nếu không có liên quan.
Nạn nhân tiêu biểu trong trường hợp này là N.V.Q. (46 tuổi, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Tháng 10/2019, bà Q. đã trình báo tới Công an TP Hồ Chí Minh về việc mình bị chiếm đoạt số tiền lên tới 11 tỷ đồng. Với thủ đoạn "khép tội - chạy tội" như trên, kẻ gian đã lừa gạt được bà Q. cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng cùng mật khẩu, qua đó rút sạch số tiền mặt của nạn nhân.
Một thủ đoạn quen thuộc khác là kẻ gian sẽ đánh cắp tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, viber… của người khác, sau đó đổi mật khẩu cũng như tìm hiểu các mối quan hệ, cách nói chuyện của chủ tài khoản. Tiếp tục, kẻ gian sẽ ngắm tới những người thân thiết, thường xuyên liên lạc với chủ tài khoản để nhắn tin vay tiền hoặc bịa ra một số lý do khác để nhờ chuyển tiền vào một tài khoản nhất định hay mua thẻ điện thoại. Nhiều người vì tin đó là bạn bè, người thân của mình nên đã trở thành nạn nhân. Không thiếu những trường hợp nạn nhân đã bị chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm triệu, thậm chí có trường hợp lên tới cả tỷ đồng. Vào tháng 5/2019 vừa qua, Công an TP Vinh (Nghệ An) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 13 nghi phạm để điều tra hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, thông qua những mạng xã hội nói trên để chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 20 tỷ đồng.
Phương thức khác, tuy không mới nhưng thường xuyên được các đối tượng lừa đảo áp dụng là mạo danh ngân hàng, nhà mạng, chủ cửa hàng... để thông báo tới nạn nhân rằng họ đã trúng thưởng qua một sự kiện nào đó với phần thưởng có giá trị lớn như xe máy hoặc ô tô. Một trong số những nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên là chị N.T.T (Văn Giang, Hưng Yên).
Vào tháng 12/2018. chị T nhận được thông báo từ người được cho là nhân viên của Vietcombank về phần thưởng sổ tiết kiệm trị giá 250 triệu đồng và một xe máy Honda trị giá 42 triệu đồng trong chương trình bốc thăm may mắn trúng thưởng. Không biết mình bị lừa, Chị T đã chuyển 126 triệu đồng để lĩnh những phần thưởng trên. Mặc dù sau đó cơ quan công an đã bắt giữ được những kẻ lừa đảo này nhưng số tiền của chị T đã bị chúng dùng hết vào chơi game và tiêu xài cá nhân.
Ngoài ra còn phải kể đến chiêu trò giả danh người nước ngoài có điều kiện kinh tế, đây là thủ đoạn rất cũ, thường xuyên được cảnh báo do mức độ thiệt hại về tài sản là rất lớn nhưng vẫn có không ít người trở thành nạn nhân. Cụ thể, thông qua mạng xã hội, kẻ gian đóng giả thành quân nhân hoặc thương gia có quốc tịch Mỹ để làm quen, hứa hẹn tình cảm lâu dài với người bị hại, ở đây thường là phụ nữ. Sau một thời gian thân thiết, kẻ gian bịa ra các lý do như gửi tiền về cho nạn nhân, góp vốn làm ăn hoặc tặng các món quà có giá trị lớn... Nếu thấy bị hại đã "cắn câu", kẻ gian sẽ thực hiện các bước tiếp theo với mức độ tinh vi hơn. Sau đó kẻ gian sẽ kết nối với đồng bọn đóng giả thành nhân viên ngân hàng, hải quan, giao hàng... để thông báo cho nạn nhân muốn nhận tiền hoặc hàng chuyển về phải thanh toán một khoản lệ phí nhất định. Số tiền này tương đối lớn, tất nhiên, vẫn kém hơn nhiều lần so với những gì mà kẻ gian đã hứa hẹn cho nạn nhân trước đó. Và nếu nạn nhân làm theo, số tiền trên cũng… không cánh mà bay.
Chủ động phòng ngừa
Theo chuyên gia bảo mật Phạm Thanh Phước, để hạn chế tối đa khả năng mình trở thành nạn nhân, người dùng cần phải trang bị những kiến thức nhận biết và phòng ngừa cần thiết. Có thể nói đến như việc nhận email, truy cập website hay mạng xã hội... cần đặc biệt cẩn trọng với những địa chỉ, tin nhắn, thư điện tử từ người lạ. Đặc biệt là nội dung có liên quan tới trúng thưởng, thông báo tài khoản ngân hàng đã bị khóa, thông báo giao dịch trên thẻ tín dụng, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân…
Tuyệt đối không truy cập vào liên kết hoặc mở các tập tin được gửi tới từ những địa chỉ như trên. Bởi nếu làm vậy, kẻ gian sẽ chiếm được tài khoản web, email, mạng xã hội của người dùng và sử dụng chúng để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản của chính nạn nhân. Tập thói quen khi truy cập tới các website thì không nhấp vào liên kết được gửi tới, thay vào đó truy cập trực tiếp địa chỉ mình cần ngay trên trình duyệt, chuyên gia Phạm Thanh Phước đưa ra một số lời khuyên.
Cảnh báo về tình trạng mạo danh ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, đại diện Vietinbank cũng đã đưa ra hàng loạt các khuyến nghị dành cho người dùng. Theo đó, ngân hàng sẽ tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp về thông tin thẻ như số thẻ, mã pin, mã CVV/CVC cũng như tên truy cập/mật khẩu truy cập của ngân hàng trực tuyến cũng như mã xác thực giao dịch một lần OTP. Ngoài website chính thức của ngân hàng, người dùng không truy cập vào các địa chỉ khác để thực hiện giao dịch trực tuyến hoặc tham gia giải thưởng. Không thực hiện bất cứ giao dịch chuyển tiền nào khi được liên lạc qua điện thoại hoặc mạng xã hội, bởi nhân viên ngân hàng không được phép thực hiện hành động này.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ. Các cơ quan chức năng sẽ không bao giờ yêu cầu người dân giải quyết các dính dáng tới pháp luật thông qua điện thoại hoặc chuyển tiền để xử lý. Nếu gặp phải các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần giữ bình tĩnh ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… để cung cấp cho lực lượng chức năng, tiện cho việc điều tra truy bắt các đối tượng lừa đảo.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý hành động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng internet, viễn thông. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; Bộ Công an tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật; phối hợp với UBND các tỉnh, TP nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019. Bộ TT&TT chủ trì tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần