Cạnh tranh hàng ngoại bằng sản phẩm cao cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu trước đây, khi nói đến hàng Việt Nam nhiều người tiêu dùng thường cho rằng đó là những sản phẩm cho phân khúc thị trường bình dân.

Nhưng hiện nay, nhiều DN trong nước đang hướng tới việc sản xuất hàng cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Xây dựng những thương hiệu cao cấp

Thời gian gần đây, nhãn hàng Gosto của Công ty Kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) được nhiều người tiêu dùng được biết đến với các mặt hàng giày dép, quần áo, túi xách… chất lượng cao. Đa phần các sản phẩm nhãn hiệu Gosto đều được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống nên mỗi ngày một người thợ chỉ hoàn tất được 2 đôi giày trong khi sản xuất trên dây truyền công nghiệp năng suất bình quân của công nhân sản xuất các sản phẩm Bitis là 20 đôi. Không chỉ có vậy, nhằm tạo sự độc đáo các mẫu túi xách, giày dép đều chỉ được sản xuất với số lượng có hạn, mỗi năm nhà sản xuất chỉ đưa ra thị trường 2 - 3 bộ sưu tập trọn bộ.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam, đường Giảng Võ, Hà Nội. 	Ảnh: Thanh Hải
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam, đường Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Nói đến sản phẩm thời trang nam cao cấp không thể không nhắc đến DN Việt Tiến với những thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế San Sciaro mang phong cách Italia được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Ngoài San Sciaro, Việt Tiến đưa ra thị trường thương hiệu thời trang Manhattan mang phong cách Mỹ, thương hiệu này do Tập đoàn Perry Ellis International của Mỹ nhượng quyền cho Việt Tiến kinh doanh tại Việt Nam. Đại diện Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho biết, bí quyết để cạnh tranh trong dòng hàng cao cấp là ở chất lượng và chất liệu sản phẩm. Theo đó, chất liệu làm nên áo sơ mi mang thương hiệu hàng San Sciaro, Manhattan có thành phần nguyên liệu 100% cotton, nguồn bông cao cấp nhập khẩu từ Mỹ, Thụy Sĩ, Ai Cập… mềm mại, mượt, hút ẩm, chống bám bụi, bám bẩn, thoáng mát, ít nhăn và dễ giặt là, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Chất liệu quần âu và veston tùy mặt hàng có thể sử dụng nguyên liệu chính dệt từ lông cừu ở vùng núi Ấn Độ, Peru… Ngoài các thương hiệu trên, thị trường hàng cao cấp còn có nhiều thương hiệu hàng Việt cao cấp khác như áo sơ mi An Phước, gốm sứ Minh Long, túi xách và vali Miti, nữ trang cao cấp Cửu Long, CAO Fine Jewellery của PNJ…

Mặc dù chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập nhưng giá bán lại rẻ hơn. Cụ thể, cùng là áo sơ mi nam nhưng nếu hàng nhập khẩu nhãn hiệu Hugo Boss, Giorgio Armani… giá bán lên đến 2,5 - 3 triệu đồng/sản phẩm. Trong khi giá các mặt hàng thời trang San Sciaro, Manhattan, Pierre Cardin, Mattana… chất lượng không thua kém chỉ có giá từ 500.000 - 700.000 đồng/sản phẩm.

Vẫn yếu khâu truyền thông

Mặc dù các DN Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, qua đó khẳng định hàng Việt không thua kém hàng ngoại, giá bán phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều DN vẫn chưa quan tâm đúng mức đến truyền thông, làm thương hiệu.

Tại diễn đàn “Thương hiệu Quốc gia với truyền thông và cộng đồng” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện các DN đều có chung ý kiến: Hiện đa phần DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ nên kinh phí giới thiệu quảng bá sản phẩm không nhiều. Bên cạnh đó, hiện DN Việt Nam vẫn bị khống chế mức trần chi phí quảng cáo ở 15% so với tổng chi phí thực tế phát sinh. Mặc dù so với mức 10% trước đây, tỷ lệ này đã được nới hơn nhưng việc cào bằng một mức trần với tất cả các ngành hàng đang là rào cản lớn để DN trong nước cạnh tranh với nước ngoài. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn Chương trình thương hiệu quốc gia cho rằng: Nhà nước nên tiến đến xóa việc quản lý phần trăm chi phí quảng cáo đối với DN vì tỷ lệ này rất khác nhau giữa các nhãn hiệu trong cùng một DN, hoặc giữa các DN thuộc các ngành khác nhau. Ví dụ ngành hàng tiêu dùng sẽ phải tốn nhiều tiền quảng cáo hơn lĩnh vực sắt, thép.

Để các thương hiệu cao cấp Việt Nam tự tin cạnh tranh với các thương hiệu cùng đẳng cấp, Nhà nước cần có những ưu đãi cho DN tiên phong, tích cực tuyên truyền mạnh hơn nữa để người Việt tự hào khi sử dụng hàng Việt. Bên cạnh đó, chính bản thân DN phải quy tụ được chuyên gia các nước đến Việt Nam làm việc và nỗ lực trong việc khẳng định thương hiệu, cũng như có kế hoạch truyền thông bài bản, dài hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần