Cao điểm chống buôn lậu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh dịp cuối năm, vì vậy các đối tượng buôn lậu đang ráo riết tập kết, vận chuyển hàng nhập lậu về Hà Nội.

Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng, đặc biệt là quản lý thị trường (QLTT) TP đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt chú trọng triệt phá những tụ điểm tập kết hàng lậu.
Liên tục phát hiện vi phạm

Ngày 24/10, Đội QLTT số 11, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra điểm giao nhận hàng hóa thuộc Công ty CP Giao nhận hàng hóa Nasco, số 2 phố Văn Cao, phát hiện, tạm giữ hơn 5.000 bao thuốc lá ngoại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trước đó, Đội QLTT số 26 kiểm tra điểm kinh doanh mỹ phẩm ở chung cư 210 Quang Trung (Hà Đông) cũng đã phát hiện, bắt giữ hơn 13.000 lọ mỹ phẩm sản xuất tại Pháp nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ...

Lực lượng quản lý thị trường thu giữ mỹ phẩm nhập lậu trên địa bàn quận Hà Đông.  Ảnh: Lê Nam

Thực tế những năm gần đây cho thấy, hàng lậu không chỉ có xuất xứ Trung Quốc, mà còn là các mặt hàng có chất lượng cao do Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… sản xuất. Hòng qua mắt lực lượng chức năng, dân buôn lậu tập kết hàng hóa ở các tỉnh ven Hà Nội, sau đó xé lẻ đưa vào TP theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San, tuy lực lượng chức năng đã đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên nhiều cá nhân vẫn bất chấp các quy định để buôn bán, tuồn hàng lậu về Hà Nội. Cùng với đó, nhiều người dân và một số tổ chức, dù biết là hàng lậu nhưng do ham giá rẻ và có tâm lý thích hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng nên vẫn sử dụng, chính là hành vi tiếp tay cho buôn lậu.

Thông tin từ Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) TP Hà Nội, trong tháng 10, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện xử lý 2.589 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Thu nộp ngân sách hơn 510 tỷ đồng.

Tăng cường đấu tranh ngăn chặn

Để tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2017, BCĐ 389 TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-BCĐ 389/TP về công tác này.

Theo đó, sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm.

Hiện, Chi cục QLTT Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2017 đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài… Các mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, sản phẩm công nghệ, thuốc tân dược… sẽ được lực lượng chức năng đặc biệt chú trọng.

Mặc dù lực lượng chức năng quyết tâm cao, nhưng để có thể ngăn chặn triệt để hàng lậu còn cần các hộ kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật, phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu. Bên cạnh đó, phân định rõ trách nhiệm chính của người đứng đầu nếu xảy ra tình trạng buôn lậu số lượng lớn xảy ra trên địa bàn, nhất là trong thời điểm cuối năm.