Cao điểm Tết Nguyên đán: Căng sức đối phó với áp lực giao thông

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các phương án bảo đảm trật tự, ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới đều đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, áp lực giao thông vẫn có thể tăng cao trên địa bàn Hà Nội do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện.
Tăng cường hơn 2.200 lượt xe khách
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đa số người lao động sẽ được nghỉ Tết 7 ngày, từ 23/1 (tức 29 tháng Chạp) - ngày 29/1 (tức mùng 5 tháng Giêng). Dự báo lượng khách sẽ tới các bến xe dồn dập vào các ngày cận Tết, từ 27 - 29 tháng Chạp và trở lại Thủ đô vào ngày Mùng 5 - 6 tháng Giêng năm Canh Tý.
Ngay từ tháng 11/2019, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã sớm có chỉ đạo về việc bảo đảm an toàn trật tự, ATGT đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2020. Sở GTVT Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 11826/KH - SGTVT về việc bảo đảm an toàn trật tự, ATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Canh Tý 2020, triển khai ngay từ đầu tháng 12/2019.
Theo kế hoạch, các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm sẽ tăng cường thêm 2.200 lượt xe khách phục vụ đợt cao điểm Tết. Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho hay: “Chúng tôi chủ động phối hợp với lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra an toàn phương tiện, điều kiện đối với người lái; quản lý tăng giá cước, kiên quyết không cho tăng giá khi các đơn vị chưa đăng ký, nghiêm cấm thu quá giá đã niêm yết, nhồi nhét khách trong đợt cao điểm”.
 Hành khách tại Bến xe Mỹ Đình dịp gần Tết 2020. Ảnh: Công Hùng
Ngoài ra, Bến xe Nước Ngầm cũng đã có kế hoạch phục vụ Tết rất cụ thể, đặc biệt là công tác quản lý, vận hành, PCCC, an ninh trật tự tại bến. Cho đến thời điểm này, đã có 24 đơn vị vận tải đăng ký tăng giá vé trong và sau đợt Tết với mức tăng từ 15 - 60% giá, nằm chủ yếu là các tuyến đường dài từ Thanh Hóa trở vào. Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập thông tin, giá tăng do nhà xe cho rằng họ phải phụ thu cho một chiều chạy rỗng và việc này chỉ diễn ra chủ yếu sau Tết Nguyên đán tại các tuyến đường dài.
Ghi nhận tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội những ngày giáp Tết cho thấy, công tác tổ chức bến được sắp xếp, chỉnh trang khá ngăn nắp, khoa học và sạch sẽ. Khu vực sảnh chờ, cửa bán vé thông thoáng, thuận tiện cho người dân tiếp cận; khu vực xuất bến đều phủ kín xe đi các tỉnh. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ cũng được các bến xe quan tâm.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, Sở đã yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải không được tùy tiện tăng, phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mới đây, vào ngày 14/1, Đoàn khảo sát của các Ban HĐND TP Hà Nội cũng trực tiếp làm việc, đánh giá công tác chuẩn bị bến bãi, phương tiện, ATGT, vệ sinh môi trường tại một số bến xe lớn.
Đoàn khảo sát đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm… nói riêng và các cơ quan chủ quản, lực lượng chức năng phối hợp nói chung. Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nhận xét: “Qua đợt Tết Dương lịch vừa rồi, các bến xe của Hà Nội đã hoạt động tốt, không có vấn đề gì khiến dư luận và cử tri bức xúc phản ánh.
Lo ùn tắc
Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội Đinh Thanh Thảo cho biết, dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý, Công an TP nói chung, Phòng CSGT nói riêng đã xây dựng phương án cụ thể, tăng cường lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia điều tiết, hướng dẫn nhằm hạn chế UTGT. Lực lượng CSGT cũng đã liên tục có kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông đối với các vị trí còn bất cập. Hệ thống công nghệ thông tin, camera giám sát được duy trì hoạt động tổng lực, vừa bảo đảm công tác điều tiết, vừa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.
Công an TP Hà Nội còn duy trì nhiều tổ công tác liên ngành, hoạt động tích cực thường xuyên, phối hợp với các lực lượng khác, rà soát 381 nút giao thông trọng điểm, 24 đầu việc nhằm đảm bảo ứng trực, nâng cao hiệu quả của Trung tâm Điều khiển giao thông; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát...
Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân lưu ý: “Những ngày cận Tết tới đây lưu lượng giao thông sẽ rất lớn, do đó cần tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, đặc biệt là với xe khách liên tỉnh; hiện tượng dừng đỗ trả khách, chạy rùa bò... sẽ vẫn xảy ra. Vì vậy, CSGT và Thanh tra Sở GTVT cần phối hợp tốt để tăng cường xử lý trong những ngày giáp Tết”.
Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập nhận định: “Có rất nhiều lý do dẫn đến việc các bến xe nói chung và Bến xe Nước Ngầm nói riêng vắng khách hơn mọi năm. Trong đó không thể không nhắc đến sự cạnh tranh thiếu công bằng của các loại xe khách “trá hình”, xe Limousine, lấy khách của tuyến cố định”.
Nhiều DN vận tải tham gia khai thác trên địa bàn Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Càng gần Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, lượng xe khách “trá hình” càng gia tăng mạnh mẽ. Loại hình này có thể “chui luồn” vào mọi ngóc ngách đường phố trong trung tâm của Thủ đô, khiến giao thông TP thêm căng thẳng.
Các tuyến xe khách liên tỉnh hoạt động tại nhiều bến xe cũng vì sự cạnh tranh không lành mạnh của loại hình này mà thêm phần áp lực, dễ nảy sinh hiện tượng lê la, rùa bò, cố gắng bắt thêm khách khi ra khỏi bến xe.
Bên cạnh đó, việc xử lý xe khách “trá hình” vốn không hề dễ dàng, dịp Tết đến với số lượng vi phạm cao gấp nhiều lần ngày thường, lực lượng chức năng lại càng thêm khó khăn, vất vả mà hiệu quả xử lý chưa chắc đã được như mong muốn.

"Sở đã yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng phương tiện và người lái hoạt động kinh doanh vận tải. Yêu cầu các nhà xe thực hiện nghiêm túc biểu đồ, lộ trình, thời gian chạy xe, tốc độ theo quy định, không dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, chở quá số người. Đặc biệt siết chặt kiểm tra, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích đối với lái xe khách liên tỉnh." - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà


"Hiện nay, bến Nước Ngầm có 136 đơn vị vận tải khai thác trên 74 tuyến, kết nối trên 27 tỉnh, TP. Số lượng xe qua bến là 400 - 500 lượt/ngày, mới đạt khoảng 50% công suất bến. Dự kiến trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, bến xe này cũng chỉ tăng từ 130 - 150% lượng hành khách so với ngày thường, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bến." - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập


"Quận Hoàng Mai là cửa ngõ Thủ đô, có lưu lượng giao thông lớn, cũng như có 2 bến xe trọng điểm là: Giáp Bát, Nước Ngầm. UBND quận đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND các phường: Hoàng Liệt Thịnh Liệt, cùng với Công an quận, Đội Thanh tra GTVT quận có chương trình phối hợp bảo đảm trật tự, ATGT, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh; bố trí phối hợp tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông; tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm, nhất là với xe khách trong khu vực." - Đại diện UBND quận Hoàng Mai


"Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để tăng cường cho các tuyến buýt trọng điểm khi cần, đặc biệt là các tuyến buýt qua các bến xe, điểm trung chuyển lớn của TP, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giải toả từ xa đối với các bến xe.

Tổng Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch để bảo đảm bố trí xe dự phòng tại các bến xe trong những ngày cao điểm: Có những phương án phối hợp với các bến xe trong việc giải tỏa hành khách vào những thời gian cao điểm nhất.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng phục vụ tập trung vào phương tiện, người lái, phụ xe, bảo đảm công tác phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự, ATGT trên các tuyến xe buýt cũng như xe khách liên tỉnh đơn vị đang khai thác." - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần