Cấp bách bình ổn thị trường thịt lợn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, giá lợn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc ổn định cung - cầu mặt hàng này đang được xem là cấp bách, nhất là trong bối cảnh Tết Canh Tý 2020 đang đến gần.

Có hiện tượng “găm hàng”, thổi giá 
Khảo sát cho thấy, trong ngày 20/11, giá lợn tại miền Bắc dao động ở mức 73.000 – 78.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn tại miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam tiếp tục tăng từ 1.000 - 6.000 đồng/kg. Cụ thể, tại các tỉnh, TP miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn ghi nhận trong ngày 20/11 dao động từ 63.000 – 76.000 đồng/kg. Tại các địa phương khu vực miền Nam, mức giá biến động cao hơn, từ 70.000 – 73.000 đồng/kg lợn hơi.
Liên quan tới giá lợn tăng cao thời gian qua, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá lợn thịt một số nơi tăng cao phần chính không phải là do thiếu nguồn mà bởi khâu lưu thông và công tác thông tin… có vấn đề. Trong đó, đã có biểu hiện một bộ phận hộ chăn nuôi “găm hàng”, tiểu thương thổi giá lợn lên cao vượt giá chủ lưu.
 Chăm sóc đàn lợn tại trang trại của Tập đoàn Mavin. Ảnh: Trọng Tùng
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Viết Toàn, nguồn lợn thịt còn lại hiện chủ yếu nằm ở các công ty, trang trại lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng dịch thì gần như không còn. “Nhiều hộ chăn nuôi không muốn xuất bán sớm lợn thịt. Thay vào đó, họ để lại nuôi lâu hơn, tăng trọng lượng khiến nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ tại nhiều nơi. Việc tiếp cận nguồn thịt lợn khó khăn khiến các cơ sở giết mổ phải mua lợn với giá cao" – ông Toàn cho hay.
Việc nguồn lợn hiện vẫn nằm chủ yếu trong các công ty, trang trại chăn nuôi khiến nhiều người đặt câu hỏi, các DN có phải đang được hưởng lợi nhiều nhất từ diễn biến giá lợn tăng cao.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin Đào Mạnh Lương cho biết, giá lợn bán ra thị trường của DN tăng nhẹ trong những tháng qua, hiện ở mức 68.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường. Theo ông Lương, đơn vị không mong giá lợn tiếp tục bị thổi lên quá cao. Nguyên nhân là bởi DN đã có kế hoạch sản xuất từ đầu năm. Việc giá lợn biến động thất thường gây xáo trộn cung – cầu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của DN.
Nhưng nguy cơ lớn nhất mà các DN lo ngại là việc giá lợn tăng cao trong khi nguồn cung không kịp đáp ứng có thể dẫn tới khả năng phải nhập khẩu thịt lợn. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, bên cạnh nguy cơ dịch bệnh lây lan từ nguồn lợn nhập, các DN trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Về lâu dài, điều này không tốt cho sự phát triển ổn định của ngành chăn nuôi lợn.
Đồng bộ giải pháp bù đắp thiếu hụt thịt lợn
Để bình ổn giá cả mặt hàng thịt lợn, bảo đảm nguồn cung về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ ngành cần nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ tái đàn. Liên quan tới giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN, trang trại chăn nuôi trên cơ sở an toàn sinh học, cần tập trung tăng đàn tối đa. Đối với các địa phương, không chờ hết dịch mới tái đàn, vì dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tồn tại một thời gian dài. Tuy nhiên, cũng không vì thiếu thịt mà tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, Ban Chỉ đạo 389 và Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn ra nước ngoài, cũng như nhập khẩu lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ trong nước. Các bộ ngành tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn ngành hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan về tình hình giá thịt lợn và bình ổn thị trường mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ NN&PTNT triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh tình trạng lợi dụng đẩy giá lên cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp bù đắp thiếu hụt khi nhu cầu thịt heo thời gian tới được dự báo sẽ tăng từ 25 - 30%/ngày.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phải báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung - cầu thịt heo trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và DN trong lưu thông, phân phối.

"Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3% - 3,9% và có thể thấp hơn, trên cơ sở bảo đảm cung - cầu và minh bạch các thông tin cho người dân biết nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên." - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ


"Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, ban hành hướng dẫn vận chuyển thịt lợn giữa các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm điều hòa cung - cầu, tránh tình trạng thiếu hụt cục bộ dẫn tới rối loạn thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, DN khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm từ lợn để phục vụ nhu cầu của người dân." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến