Cấp bách liên kết nuôi trồng dược liệu

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước ta có nền đông y với những thầy thuốc lừng danh như Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác từ rất sớm, có dược sĩ Đỗ Tất Lợi với tác phẩm “Các vị thuốc và cây thuốc Việt Nam”, có 5.000 loại dược liệu được ghi vào y văn cả đông y và tây y chưa kể các loài động vật, chế phẩm từ động vật dùng làm thuốc như mật ong, cá ngựa, rắn, cao xương… nhưng hàng năm, ta vẫn phải nhập hàng vạn tấn dược liệụ không biết còn nguyên hoạt chất hay không, phải mua hàng tỷ USD thuốc từ các dược liệu nhập ngoại đó.

Đôi khi, trên TV có tin cây hồi Lạng Sơn, cây sâm núi Ngọc Linh, nấm lim xanh Quảng Nam có tác dụng rất quý hay các cây thuốc Nam ở Cao Bằng bị tận diệt vì thương lái Trung Quốc bòn vét. Thế rồi thôi, tin chìm đi còn người thì vẫn phải mua thuốc đắt, thuốc giả, thuốc rởm với giá cắt cổ. Riêng Hà Nội, thảng hoặc có tin bài thuốc cổ truyền nọ, bài thuốc bí truyền quý giá kia của người Dao, chữa được nhiều bệnh nan y và nguồn thầy thuốc, thuốc Nam từ rừng Ba Vì kêu cứu, rồi lại thôi, không để lại dư vang nào vì tin lẻ tẻ quá, giữa bộn bề thông tin.

Khách hàng lựa chọn dược liệu tại một buổi trưng bày sản phẩm. Ảnh: Hà Ngân

Cũng hợp lẽ thôi, tuy có 5.000 cây thuốc quý nhưng thuốc ở đâu ấy, lại bị tận diệt, càng tìm càng khó, còn diện tích trồng dược liệu thì chỉ có 200ha, riêng số cây thuốc trồng theo tiêu chuẩn WHO thì chỉ có 13 loại cây. Đã thế, dược liệu thu hoạch phải có người mua nếu không chỉ làm phân xanh, làm củi đun, vốn liếng đổ sông đổ bể hết. Hãy tưởng tượng dược liệu thu hoạch về (cây lá đỏ ngọn, cây trinh nữ hoàng cung, dây cà gai leo, cây lược vàng…) chất đống trong nhà không ai mua thì chỉ có khóc. Còn doanh nghiệp làm ăn theo lỗ lãi, không thể căn cứ vào lời hứa mà mua liều. Dược liệu mua về, khách hàng dửng dưng hoặc trả giá thấp thì phá sản, mà phá sản thì còn bao nhiêu người trông vào nhà máy. Ngẫm hai bên đều có lý.

Nhưng thuốc thì dù đắt mấy cũng phải mua. Mà sản xuất thì phải có dược liệu. Thương lái nước ngoài tha hồ bòn vét, tận diệt, giả dối. Các doanh nghiệp thuốc tha hồ cải tiến, tiết kiệm, mong hạ giá thành nhưng tiết kiệm không bù nổi tăng giá và thao túng của thương lái nước ngoài. Còn, người cần thuốc cứ phải nhắm mắt mua thuốc, cho dù ngày càng tăng giá. Trong số những mặt hàng tăng giá thường xuyên trên thị trường hiện nay, đắt nhất là thuốc. Và thuốc (bao gồm cả thuốc đông y) là nguồn béo bở cho các doanh nghiệp, các bệnh viện và các bác sĩ, dược sĩ suy thoái về đạo đức.

Không thể cam lòng chết trên đống thuốc, phải khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu quý giá thiên nhiên ban tặng; phải khai thác được những bài thuốc, những kinh nghiệm chữa bệnh quý trong dân gian để trở thành một cường quốc về dược liệu và thuốc phương Đông, mang lại tiền của cho đất nước. Nhưng làm bằng cách nào đây?

Nếu nhìn vào đất đai, nhiều loại thổ nhưỡng không dùng vào việc gì được lại thích hơp với cây dược liệu. Nếu trồng các cây dược liệu trên đất bạc màu, đồi núi như Phúc Thọ, Ba Vì , Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất… Hà Nội có hàng chục ngàn héc ta lâu nay vẫn bỏ hoang. Nếu gây giống và trồng thiên niên kiện, thảo quả, xuyên khung, ba kích… thì chúng ta có hàng chục nghìn héc ta rừng nữa. Nhưng tại sao không thể phát động phong trào nhà nhà trồng dược liệu, người người lo dược liệu? Có lẽ cản trở chính là không có được mối quan hệ khăng khít giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nông dân vốn thực dụng, không có lợi nhiều thì phải có lợi ít, không bán được thì để nhà ăn nhưng không có lợi gì thì không làm. Trồng cây dược liệu chỉ có một nguồn bán, nguồn đó mà đứt thì không còn vốn chưa nói lãi. Doanh nghiệp thì nhỏ, vốn ít, mối ít, luôn lấy công làm lãi, thường bán nguyên liệu thô, không có vốn để chế biến. Lo mình chưa xong, các doanh nghiệp không thể giúp nông dân mở rộng sản xuất, lưu hàng năm này qua năm khác, chờ được giá mới bàn. Đấy là lý do chính để lâu nay, biết mà không làm được. Chỉ có vài doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu phục vụ ổn định cho sản xuất như dây thìa canh sản xuất diabetna chữa bệnh tiểu đường, cây đinh lăng để Traphaco sản xuất thuốc dưỡng não, vùng trồng gấc để sản xuất dầu gấc… mà cũng không đủ, chưa nói gì đến chế biến bán sản phẩm xuất khẩu.

Cho nên, biết là thế, nhưng làm không phải dễ. Nhà nước phải xây dựng được ngành công nghiệp dược liệu có vùng nguyên liệu lớn, ổn định; có công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, có thị trường rộng và ổn định lúc đó, nhà máy cần nguyên liệu, nông dân trồng dược liệu lãi hơn nhiều cây khác, lúc ấy người dân sẽ sống bằng cây dược liệu, chăm chú phát triển cây dược liệu, như phong trào nhà nhà nuôi gà Đông Tảo hay trồng cây rau sắng ở Hương Sơn (Mỹ Đức) bây gìờ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần