Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đăng đàn chất vấn

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (31/10), Quốc hội khóa XIV tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Lần đầu tiên Bộ trưởng TTTT, Bộ trưởng KH&CN đăng đàn trả lời tại kỳ họp này.

Phiên chất vấn bắt đầu lúc 14h. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo có 83 đại biểu (ĐB) đăng ký chờ nêu câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ.

Vào sáng cùng ngày (31/10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng 12 bộ trưởng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đã trả lời chất vấn, tranh luận cùng các ĐB Quốc hội.

 ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Cần xây dựng văn hóa nghị trường

Trong phần mở đầu phiên chất vấn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bấm nút tranh luận về ý kiến của ĐB Lê Thị Thanh Xuân trình bày vào sáng cùng ngày.

Theo đó, ĐB Lê Thị Thanh Xuân có ý kiến trao đổi với ĐB Phạm Thị Minh Hiền liên quan đến nhận xét về dự thảo thông tư "đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần" của Bộ Giáo dục.

ĐB Hiền chia sẻ sự lo lắng trước "năng lượng tiêu cực của xã hội trong thời gian qua mà Bộ Giáo dục mang đến". Tuy nhiên ĐB Xuân không đồng tình và cho rằng ý kiến đó đã đưa ra góc nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành, và làm tổn thương hàng triệu học sinh và giáo viên cả nước.

Trước những tranh luận trên, ĐB Nghĩa nhận định: ĐB Quốc hội đang làm việc hệ trọng là thay mặt cử tri chất vấn thành viên Chính phủ, dựa trên cơ sở kiến thức, nhận thức, quan sát và thông tin của mỗi người. Người trả lời là các vị Bộ trưởng và các vị này "đủ trình độ, năng lực, lực lượng, bộ máy và bản lĩnh để giải đáp chất vấn. Cử tri và các đại biểu muốn nghe Bộ trường trả lời chất vấn dù mỗi người một cách khác nhau, chúng ta nên tôn trọng quyền này.

Theo ông Nghĩa, các đại biểu tranh luận lẫn nhau là chuyện bình thường nhưng "không nên lên gân, quy chụp lẫn nhau".

"Các đại biểu có quyền tranh luận, không đồng ý vì chưa đúng hoặc chưa chính xác nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác. Điều đó tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động dân chủ của Quốc hội", ĐB Nghĩa nói.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Việc quản lý đất đai không ảnh hưởng đến cổ phần hóa doanh nghiệp

Trả lời ĐB Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) về hiệu quả tiếp công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, ĐB nêu vấn đề rất đúng.

Theo đó, thời gian qua một số đơn vị, cá nhân, đặc biệt là những người đứng đầu thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại tố cáo, nhất là thời lượng tố cáo chưa nghiêm.

"Chúng tôi cho rằng cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả, giải pháp là thực hiện nghiêm quy định Luật Tiếp công dân, nhất là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp độc lập, đặc biệt thời gian tiếp công dân", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Người đứng đầu ngành thanh tra cũng cho biết sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc tiếp công dân, xử lý sai phạm, xử lý nghiệm trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân. Công khai những nơi làm tốt, nơi làm không tốt để dư luận đánh giá. Cuối cũng tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là ở cơ sở.

Câu hỏi tiếp theo của ĐB Quách Thế Tản về tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước không đấu giá đất trước cổ phần hoá, gây thất thoát vốn Nhà nước.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước năm 2011 quy định đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp; sau năm 2013 đã điều chỉnh lại sát với thị trường và doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.

Từ đầu năm 2018, giá trị đất của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hoá phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chuyển đổi mục đích phải thu hồi đấu giá theo quy định.

Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận vừa qua có một số trường hợp không đấu giá, khiến dư luận tâm tư.

"Việc quản lý đất đai có ảnh hưởng đến cổ phần hóa doanh nghiệp hay không, tôi xin trả lời là không", Bộ trưởng Tài chính khẳng định, đồng thời cho biết, Nghị định 126 đã nêu rất rõ địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa phải phê duyệt phương án sử dụng đất. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên còn gây ra những khó khăn. Do đó cần phải có sự vào cuộc của các cấp, cấp ngành.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường 

1.200 hồ đập lớn đang trong tình trạng hư hỏng

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) nêu câu hỏi tới Bộ NN&PTNT về thực trạng 1.200 hồ đập lớn đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp hoặc không đảm bảo khả năng xả lũ. Theo ĐB riêng năm 2017 có 23 sự cố vỡ tràn đập, rất nguy hiểm. Cử tri rất băn khoăn vấn đề này

Trả lời chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, vấn đề an toàn hồ đập đang rất quan trọng. Riêng hồ thủy lợi hơn 6.300 hồ, tổng công suất trữ lượng nước 13,5 tỷ m3. Về hồ lớn hơn hơn 820 cái, 10 năm qua dồn sức khoảng 13.000 tỷ, 700 trăm hồ được sửa chữa cơ bản, đảm bảo sử dụng tốt. Hơn 5.000 chiếc hồ nhỏ, trong đó khoảng hơn 1.700 chiếc là không đảm bảo an toàn.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã đồng ý chi một số gói để sửa chữa. Còn khoảng 1.200 hồ, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp cũng như các tỉnh rà soát xong trình Thủ tướng cho chủ trương tới đây để từng bước khắc phục tình trạng này.

 ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: TTXVN.

Sẽ xây dựng phần mềm tra cứu văn bản pháp luật về đất đai

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) về việc quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đất đai gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay số văn bản của ngànhTài nguyên và Môi trường là khoảng 600. Trong đó riêng đất đai có trên 60 văn bản đã ban hành dựa theo quy định của luật, sau đó là các nghị định, thông tin.

Việc ban hành theo từng nội dung, từng giai đoạn là cần thiết để áp dụng các văn bản pháp luật.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng hợp, in ấn, xuất bản để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận văn bản mới. Chúng tôi cũng xây dựng phần mềm tra cứu", Bộ trưởng cho biết.

Về lâu dài, các văn bản ổn định thì phải hệ thống hóa, liên ngành với cả các lĩnh vực khác.

Cùng trong lĩnh vực ngành quản lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin về tình hình ô nhiễm sông Cầu. Đây là câu hỏi do ĐB Leo Thị Lịch chất vấn.

Theo ĐB, do phát triển kinh tế bất chấp hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương, năm 2016 có 3 lần cá chết nổi trên sông Cầu, năm 2017 là 10 lần. Gải pháp khắc phục của ngành Tài Nguyên và Môi trường là như thế nào?

Bộ trưởng cho biết: Đây là vấn đề hết sức cấp bách và hiện đã có đề án xử lý môi trường lưu vực sông Cầu. Vấn đề tồn tại lớn nhất là các đề án, tiểu đề án không đủ kinh phí thực hiện.

"Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước để thực hiện đề án thì sẽ không thành công. Vì thế, cần xác định với các làng nghề, khu công nghiệp... là nguồn gây ô nhiễm thì phải xử lý theo đúng quy định, yêu cầu trả tiền khắc phục", Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Lỗ hổng trong kiểm soát container phế liệu nhập khẩu

Liên quan đến những vấn đề về môi trường, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) chất vấn về "lỗ hổng" trong quản lý khi để xảy ra tình trạng hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu nằm ùn ứ tại các cảng biển.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, "vấn đề này không phải cơ quan chức năng không biết, không chủ động mà thực tế là biết trước và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên tham mưu chính sách phòng ngừa từ xa".

Theo đánh giá của Bộ trưởng, lỗ hổng ở đây là chưa kiểm soát được hàng hoá vào lãnh thổ và chưa có cơ chế cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm soát.

"Giải quyết vấn đề này không khó. Trước khi các lô hàng vào thì yêu cầu tổ chức độc lập kiểm tra. Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để giám định. Việc kiểm soát không cho nhập khẩu phế liệu vào là trong tầm tay", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về hướng xử lý số container phế liệu tồn ở cảng, Bộ đã tham mưu Chính phủ yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập về phải bỏ tiền ra tái xuất; với số lượng hơn 58% container nhập lậu, không có giấy tờ thì áp dụng một số biện pháp xử lý. Số này là chất thải do chứa rác, nên cơ quan chức năng sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực xử lý.

Giơ biển tranh luận, ĐB Trần Văn Minh cho rằng thông tin Bộ trưởng Trần Hồng Hà "chưa bao quát vấn đề".

Theo đó, có hơn 15.000 container đang tồn ở cảng, trong số này có container chứa phế liệu, chất thải. "Cử tri lo ngại có thể chứa chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ môi trường nếu không có giải pháp xử lý thích đáng", ĐB Minh nói và đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với trách nhiệm đứng đầu Chính phủ giải thích, làm rõ hơn vấn đề.
 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Không có lợi ích nhóm trong xử lý dự án thua lỗ ngành công thương

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc xử lý các dự án thua lỗ, trong đó có dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. "Vì sao chậm, có lợi ích nhóm không, xử lý vi phạm có nghiêm minh không?", ĐB đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm. Có 4 dự án đã được chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố 2 dự án, tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

"Về trách nhiệm cá nhân tổ chức liên quan 12 dự án thua lỗ, đã xem xét trách nhiệm cả 12 dự án, 4 vụ chuyển cơ quan công an, 2 vụ PVTEX, Ethanol Phú Thọ đã khởi tố", Bộ trưởng nói. Đồng thời khẳng định không có việc bao che cho sai phạm.

Người đứng đầu ngành công thương cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra đối với cá nhân vi phạm pháp luật để cử tri biết.

Trước đó, vào sáng 30/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đến nay việc xử lý đã có kết quả tích cực: 2 dự án đã có lãi; 3 dự án đã vận hành, sẵn sàng vận hành trở lại; các dự án còn lại đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Không được bỏ trống mặt trận mạng xã hội

Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều nay, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của các đại biểu. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt 2 câu hỏi tới Bộ trưởng.

Vấn đề thứ nhất, ĐB nhìn nhận, lâu nay một số cá nhân trên mạng xã hội cho mình cái quyền thích nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm. Ví dụ sau lấy phiếu tín nhiệm, có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các Bộ trưởng.

"Tôi xin hỏi Chính phủ, Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?", ĐB nêu.

Trả lời câu hỏi trên, theo Bộ trưởng "đây là vấn đề có tính toàn cầu". "Nước lớn như nước Mỹ, nước nhỏ như Timor Leste cũng bị, và càng ngày càng nặng. Còn chúng ta thì mới chỉ "sống" trên không gian mạng trên 10 năm", Bộ trưởng nói.

Trong khi đời sống thực có kinh nghiệm nhiều nghìn năm và có những kinh nghiệm thực trong đời sống có thể "mang sang không gian mạng".

Để giải quyết vấn đề trên, trước hết phải định nghĩa chính xác thế nào là thông tin sai. Thứ hai là phải dùng công nghệ để xử lý.

"Mỗi ngày có khoảng 100 triệu tin đưa lên mạng, không thể dùng người để đọc hết, nên phải dùng công nghệ để phân loại. Như vậy chúng ta phải có công cụ quét rác để dọn dẹp. Điều này hoàn toàn có thể làm được", Bộ trưởng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cái khó của chúng ta là mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu nhà cung cấp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin.

Việc này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế. EU đã làm rồi, một số nước ASEAN làm rồi. Quan trọng là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật. Cũng có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng.

"Mạng xã hội không ảo nữa, mà thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội. Cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi", Bộ trưởng Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Về xử lý sim rác, Bộ trưởng cho rằng cách giải quyết phải gắn với việc quản lý công dân.

Theo người đứng đầu Bộ TTTT, hiện nay một số nước trên thế giới đã quản lý thông qua chứng minh nhân dân, người đi mua sim thì nhà mạng dùng công nghệ quản lý, kiểm chứng thông tin gắn với người sử dụng. Đây là giải pháp gốc để xử lý tình trạng sim rác.

Nêu ý kiến sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng cho biết, thông tin bịa đặt, nói xấu thì Luật An ninh mạng quy định cụ thể, có biện pháp bảo vệ an ninh mạng để giải quyết nội dung như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nêu.

Còn vấn đề sim rác được đặt ra từ rất lâu, đến nay tình hình có giảm nhưng vẫn diễn ra. Theo đại biểu, tin độc, tin xấu, vu khống, tống tiền, phỉ báng cũng bắt đầu từ sim rác.

Cũng tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng thông tin xúc phạm cá nhân trên mạng rất nặng nề, nhất là với các thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội cũng không phải ngoại lệ.

 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu trên diễn đàn Quốc hội chiều 31/10. Ảnh: Ngọc Thắng

Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng lần đầu tiên trả lời chất vấn các ĐB tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận được câu hỏi của ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu), về vấn đề tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thông tin, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ, vừa qua ngành khoa học công nghệ đã rất nỗ lực để tái cơ cấu, chuyển dịch chính sách theo hướng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và có kết quả bước đầu. Cụ thể như trong nông nghiệp là hỗ trợ chuỗi giá trị cá tra, phụ phẩm.

Cùng với đó, ngành tiếp tục tập trung cho phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Bước đầu ở đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học đã đánh giá thực trạng, cơ chế biến động và nguyên nhân xói lở, bồi đắp; đưa ra giải pháp chung về mặt nguyên tắc để bảo vệ bờ biển; nghiên cứu giống lúa, vật nuôi thích ứng với khí hậu...

Đối với hiện tượng khô hạn Ninh Thuận, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao 3 dự án cho 3 Bộ là Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bộ Khoa học & Công nghệ đã triển khai bước đầu và có kết quả, chuyển giao để Bộ Nông nghiệp thực hiện ở vùng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần