Đại biểu HĐND TP Hà Nội tái chất vấn nhiều vấn đề nóng

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về các vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, qua quá trình tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND thứ 4 khóa XV, Thường trực HĐND TP đã nhận được 297 ý kiến về các vấn đề phá triển kinh tế xã hội, quy hoạch quản lý đất đai, đô thị, PCCC, vệ sinh môi trường, môi trường dân sinh… Theo đó, Thường trực HĐND đã tổng hợp đầy đủ, phân loại theo thẩm quyền chuyển đến UBND TP và các cơ quan quận huyện thị xã để xem xét và có phản hồi. Những nội dung này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử thành phố trước kỳ họp thứ 4.
 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn
Thực hiện năm kỷ cương hành chính 2017, Thường trực HĐND TP đề xuất tái chất vấn việc thực hiện kết luận 32 ngày 15/12/2016 tại kỳ họp thứ 3 về 3 nhóm vấn đề: PCCC, quản lý đô thị và an toàn thực phẩm. Đây là những vấn đề dù đã được chất vấn nhiều lần nhưng vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cử tri.
Bên cạnh đó, việc thực hiện một số trọng tâm của các ngành, quận huyện về xử lý vỉa hè còn mang tính hình thức chưa quyết liệt, vi phạm trật tự xây dựng còn xảy ra nhất là trên đất nông nghiệp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, PCCC còn thấp, việc chấp hành kỷ cương kỷ luật hành chính của một số cán bộ công chức còn chưa nghiêm.
Vì vậy, đồng chí Bí thư Thành Ủy đã có chỉ đạo tại Hội nghị của BCH Thành Ủy, theo đó tiếp tục thực hiện quyết liệt quản lý xây dựng trật tự đô thị, tài nguyên môi trường; đẩy mạnh Thực hiện chỉ thị số 08 về tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo công tác công tác văn minh đô thị, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Vì vậy cần tiếp tục tái chất vấn các nội dung trong kết luận 32. Đây là công tác rà soát công việc đang triển khai thực hiện, xác định trách nhiệm từng cấp từng ngành.
Xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè 
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, có kết quả các nghị quyết của HĐND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết những yêu cầu dân sinh bức xúc.

Căn cứ kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp 3 HĐND Thành phố khóa XV, kiến nghị của các Đoàn giám sát, kiến nghị của cử tri, UBND Thành phố đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết dứt điểm và báo cáo kết quả đến các vị Đại biểu HĐND Thành phố.

Thực hiện Thông báo số 32/TB-HĐND ngày 15/12/2016 của Thường trực HĐND Thành phố về kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3, UBND Thành phố đã có báo cáo chi tiết gửi tới đại biểu tại công văn ngày 29/6/2017.
  Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội.

Tại kỳ họp này, UBND Thành phố báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: (1) Nhóm vấn đề về công tác quản lý đô thị; công tác phòng cháy và chữa cháy. (2) nhóm vấn đề về an toàn thực phẩm.

Thứ nhất, nhóm vấn đề công tác quản lý đô thị, về công tác quản lý trật tự xây dựng TP tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các công trình “siêu mỏng, siêu méo ” cũ và mới phát sinh ở hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn Thành phố; Chỉ đạo xử lý các vi phạm lẫn chiếm lòng đường, vỉa hè để bảo vệ kết cấu hạ tầng tuyến đường.

Về công tác quản lý giao thông, triển khai thực hiện Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Rà soát điều chỉnh hoặc ban hành quyết định thay thế Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND Thành phố quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố; Về việc điều chỉnh các tuyến xe khách liên tỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người dân và định hướng quy hoạch. Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán 2017, cần điều chỉnh, sắp xếp lại hành trình tuyến, tần xuất xe của một số tuyến để giảm áp lực giao thông tại một số tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc; . Về rà soát lại nội dung Đề án phát triển vận tải khách bằng xe taxi trên địa bàn Thành phố và kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải có quy định và giải pháp kiểm soát số lượng xe được cấp phù hiệu hợp đồng dưới 9 chỗ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải khách bằng xe taxi, xe khách liên tỉnh đối với các tổ chức, doanh nghiệp...

Về công tác phòng cháy và chữa cháy, Phó Chủ tịch nêu những việc cụ thể trong việc đẩy mạnh đổi mới tuyên truyền, nêu cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tuân thủ các quy định về công tác PCCC; việc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; việc rà soát, bổ sung quy hoạch phòng cháy chữa cháy nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị của Thành phố; rà soát và bổ sung các điều kiện phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy...

 Hàng loạt vấn đề về vi phạm trật tự xây dựng được các đại biểu đặt ra 

Về nhóm vấn đề An toàn thực phẩm, UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát tất cả các đề án, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến việc tạo nguồn thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô đã được Thành phố phê duyệt và đang thực hiện trên địa bàn như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố; Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng 2030; Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020; Đề án sắp xếp chợ; Đề án chăn nuôi gia súc…

Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay một số chỉ tiêu đã hoàn thành.

Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2015. Đến nay, Đề án sản xuất tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành, kết quả đạt được đáng ghi nhận. Từ các hoạt động của đề án đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân.
 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam tại phiên chất vấn

UBND thành phố đã ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 22/01/2016 về duy trì, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

Về Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2020, theo Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND Thành phố, trên địa bàn Thành phố hiện có tổng số 11 điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp và 34 điểm quy hoạch giết mổ thủ công tập trung. Trong đó, có 12 cơ sở, điểm quy hoạch giết mổ đã xây dựng và đi vào hoạt động.

"Nóng" vấn đề trật tự xây dựng

Sau phần báo cáo của UBND TP, các đại biểu xem video phóng sự về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

 Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) đặt câu hỏi về việc vi phạm xây dựng

Bước vào phần tái chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu nêu vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì. Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) chất vấn về lĩnh vực trật tự xây dựng, theo khảo sát và theo số liệu có 985 công trình xây dựng vi phạm có hồ sơ đã được chuyển đến các cấp chính quyền. Tại phiên chất vấn kỳ họp tháng 12/2016 đã có chỉ đạo tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm xây dựng. Giải pháp thời gian tới của UBND TP cho việc này?

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) đặt câu hỏi về việc vi phạm xây dựng trên đất công chưa được xử lý dứt điểm. Đại biểu chất vấn trách nhiệm của chủ tịch UBND địa phương quận, huyện, xã, phường? Đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) hỏi về việc tại một số khu đô thị tăng mật độ sử dụng đất, không đáp ứng được vấn đề thiết yếu dân sinh, vậy biện pháp khắc phục thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị, xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng công trình phụ trợ thành nhà ở... trách nhiệm của Sở Xây dựng ở đâu?

"UBND huyện rút kinh nghiệm trong quản lý"

Trả lời chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Châm cho biết do những nguyên nhân trong quá trình phát triển cùng với việc quản lý nhà nước ở một số thôn xóm còn yếu kém dẫn đến những vi phạm. Có thời điểm, chính quyền buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm không xử lý dứt điểm. 

 Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm trả lời chất vấn 

Nói về những sai phạm cụ thể tại xã Hải Bối, trách nhiệm trực tiếp thuộc chính quyền cơ sở, chúng tôi có kiểm điểm trách nhiệm, thứ hai thuộc trách nhiệm UBND huyện trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm, UBND huyện rút kinh nghiệm. Thời gian tới sẽ tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại này. 

Lãnh đạo địa phương tiếp theo đăng đàn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho rằng, việc tuyên truyền từ huyện xuống xã chưa sâu, quyết liệt. Theo số liệu thanh tra Xây dựng huyện, số liệu thông kê được là 59 công trình, chứ không phải 66. Các ông trình vi phạm nằm rải rác ở 16 xã, thị trấn. Chủ yếu là vi phạm xây tường bảo vệ ruộng, lều lán trông coi rau mùa…

Trong 59 công trình này thì từ 6 tháng đầu năm chúng tôi đã giải quyết 38 công trình, trong đó 30 công trình người dân tự tháo dỡ và 8 hộ xử lý cưỡng chế trong 2-3 ngày. Trong 21 hộ đang xử lý, việc làm nhà trên đất ruộng có 7 hộ và đang được tạm dừng. Việc xây trái phép trong quá trình dồn điền đổi thửa là có xảy ra và chúng tôi sẽ ngăn chặn kịp thời, hỗ trợ người dân làm theo đúng quy định.

Tái chất vấn đại biểu Nguyên Quân cho rằng, trong báo cáo trả lời của Chủ tịch huyện Mê Linh vẫn nặng về giải trình, còn giải pháp và nguyên nhân trách nhiệm khi để xảy ra những trường hợp trên chưa được đề cập?

Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, việc để xảy ra là trách nhiệm của chúng tôi khi công tác tuyên truyền chưa tốt. 21 hộ còn vi phạm đều thuộc năm 2017 còn các trường hợp từ năm 2016 đã được xử lý. Như tôi đã nói, 21 hộ này có 7 hộ nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi, và sẽ hỗ trợ về đề án để họ được xây dựng đúng quy định. Trường hợp không tuyền truyền được sẽ có trách nhiệm hơn. Sẽ chấn chỉnh nghiêm túc, giải pháp là sẽ có những chuyên đề quản lý đất đai để các lãnh đạo xác định trách nhiệm và biện pháp.

 Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng trả lời chất vấn

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn trả lời chất vấn về những vi phạm trong trật tự xây dựng cho biết, sau khi thấy tình hình vi phạm có diễn biến phức tạp, UBND huyện chỉ đạo hàng tuần giao ban, đội thanh tra xây dựng phải báo cáo tình hình vi phạm, hướng xử lý ngay trong tuần. Trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện xử lý ngay những vi phạm, không để tồn đọng.

Vi phạm trật tự xây dựng ở các tổ chức phát triển nhà ở

Tiếp tục chất vấn, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Đông Anh) nêu vấn đề tái diễn trật tự vi phạm không chỉ ở các tổ chức cá nhân, hộ gia đình mà còn ở các tổ chức phát triển nhà ở. Trong kỳ họp thứ 3 đã có những minh chứng rõ nét về tình trạng một số chung cư xây dựng sai phép. Hồ sơ một số vụ việc đã chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Xin hỏi đồng chí Giám đốc CATP, tiến độ xử lý và công khai kết quả điều tra cũng như việc cần thiết để khởi tố của các công trình sai phạm này đã được làm đến đâu?

Cũng trong việc thực hiện kết luận kỳ họp thứ 3, về trật tự đô thị, ban kinh tế ngân sách đã rà soát và phát hiện tái diễn nhiều bãi đỗ xe, trông xe sai phép, không phép hoặc giá trông giữ sai phép, đặc biệt là trong dịp lễ tết. Tuy nhiên các giải pháp chưa có hiệu quả cao. Xin hỏi giám đốc sở GTVT phương hướng giải quyết việc này. Các dự án bến bãi đỗ xe chậm triển khai chưa được đôn đốc các nhà đầu tư cũng như việc quản lý trật tự?

Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho rằng, việc vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm đã được chuyển sang cho công an TP, trong đó điển hình là doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên là đơn vị triển khai nhiều dự án trên địa bàn TP, khoảng 12 dự án. Qua điều tra chúng tôi đều phát hiện dấu hiệu trốn thuế và vi phạm các quy định quản lý nhà ở. Nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận về đơn vị này ở 21 tỉnh thành cả nước do đó chúng tôi phối hợp với cục C46.

Chúng tôi đang chờ ý kiến quyết định Bộ Công an. Nếu Bộ quyết định cho cục C46 khởi tố chung ở 21 địa phương thì các hồ sơ tài liệu đã xác minh chúng tôi sẽ chuyển cho Bộ.

Sau phần trả lời của Giám đốc Công an TP, 16 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn tới 5 Giám đốc Sở gồm: Quy hoạch Kiến trúc, Phòng cháy chữa cháy, Giao thông Vận tải...

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương nêu vấn đề, qua khảo sát, quỹ đất cho xây dựng trường học chưa được hiệu quả, còn có dự án trùng vào khu đất nghĩa trang, đất quy hoạch. Đề nghị UBND TP cho biết trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp giải quyết? Đại biểu Trần Thế Cương chất vấn về vấn đề nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà văn hóa, trường học nhà trẻ. Một số khu đô thị qua giám sát có sự điều chỉnh công năng từ tòa nhà thương mại sang khu nhà ở. Cá biệt có khu đô thị hơn 5.000 căn hộ. Tôi đề nghị đồng chí giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết phương hướng giải quyết?...

 Đại biểu Lan Hương (tổ Đông Anh) chất vấn

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, về việc thiếu trường học tại khu đô thị, do trong quá trình triển khai thực hiện, thường các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng xã hội sau. Khi phát triển đô thị, tỷ lên xây dựng các trường mẫu giáo trong các khu đô thị rất thiếu, nhất là những khu đô thị phát triển mới như ở Cầu Giấy, Long Biên...

Về hướng giải quyết, ông cho rằng, ở khu đô thị mới yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà trẻ, trường học; ở khâu cấp phép phải có chế tài ngay, yêu cầu xây dựng đầy đủ... Đợt tới, cải tạo chung cư cũ, Sở tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạn tầng kỹ thuật.

Về vấn đề đưa trường học vào vị trí khó giải phóng mặt bằng, ông Lê Vinh cho rằng, Sở phát hiện có việc này và điều chỉnh. 

Trả lời tại phiên chất vấn vấn đề PCCC, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP đã giao cho cơ quan PCCC tuyên truyền và đào tạo kỹ năng cho người dân. Các DN, đội dân phòng đã thực hiện khá tốt việc tuyên truyền. Tuy nhiên một số khu vực, nơi sinh hoạt, hộ dân cư, xã phường đã được tuyên truyền mạnh những vẫn xảy ra hỏa họan.

Trong 6 tháng đầu năm đã diễn ra 447 vụ hỏa hoạn, giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm 2016 nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Áp lực đô thị bao gồm áp lực PCCC cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đào tạo kỹ năng PCCC hơn nữa.

Về trang thiết bị đã đầu tư, TP đã có kế hoạch chương trình cụ thể giải quyết các công trình vi phạm và thiếu cơ sở vật chất PCCC. 132 công trình lần trước đã sử dụng đã được tăng cường thiết bị PCCC. Đến 30/6 đã xử lý từ ngăn vách ngăn, chống tụ khói, giao thông đi vào chung cư.

Về các công trình vi phạm, trong 79 công trình nêu ra đã có 6 công trình khắc phục xong. UBND TP chỉ đạo, ra thông báo số 152 về việc xử lý các công trình này. Giao cho sở cảnh sát PCCC thành phố cùng các chủ đầu tư trong công tác này. TP sẽ có biện pháp xử lý đối với các chủ DN vi phạm, đồng thời khuyến khích khen ngợi các chủ DN thực hiện tốt công tác PCCC.

"Chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân xem xét khi mua chung cư, cần để ý tới cơ sở vật chất PCCC. Các công trình dự án thi công trên địa bàn UBND TP không đạt yêu cầu PCCC sẽ không được cấp phép điện, nước", Phó chủ tịch cho biết.

Trả lời về vấn đề sai phép xây dựng, Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho rằng, TP có  quy định về xử lý vi phạm, công cụ pháp luật có đầy đủ, phải xem xét từng trường hợp, rút kinh nghiệm trông thực hiện pháp luật.

Về nguyên nhân, Phó chủ tịch cho rằng, chất lượng của cán bộ quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Ý thức chấp hành của chủ đầu tư và bộ phận người dân chưa tốt, cố tình vi phạm.

Phó Chủ tịch cho rằng, cần nâng cao chất lượng quản lý, nhất là bộ máy quản lý trực tiếp địa phương, sáng lọc, xây dựng bộ máy để làm tốt. Kiên quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm. TP chỉ đạo xử lý các vi phạm, không để phát sinh những vi phạm mới. 

Kết luận phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét, các nhóm vấn đề lựa chọn trong phiên làm việc hôm nay đã được chất vấn, tái chất vấn trong nhiều kỳ, có sự chuyển biến tích cực ở một số lĩnh vực, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của cử tri. Đặc biệt còn gia tăng một số lĩnh vực như vi phạm trật tư đô thị.

Với 18 lượt đại biểu phát biểu, 7 thành viên UBND TP trả lời ý kiến, 2 báo cáo giải trình của UBND TP cùng các báo cáo của các Sở ban ngành liên quan, các đại biểu cơ bản nhất trí với các giải trình, đồng thời cho thấy có thể thấy việc lựa chọn nhóm vấn đề đã đi đúng nguyện vọng cử tri, yêu cầu của TP, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị là thực hiện các nghị quyết của HĐND .

Qua ý kiến các đại biểu, có thể thấy UBND TP đã nghiêm túc, kịp thời triển khai các kết luận của HĐND. 22 đầu việc trong kết luận ngày 15/12/2016 cho đến ngày 1/1/2017 đã được triển khai văn bản phân công đến từng cấp từng ngành với trách nhiệm và tiến độ hoàn thành rõ ràng. Các Phó Chủ tịch UBND TP từ đó có cơ sở lập kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với sự vào cuộc nghiêm túc của các sở ngành quận huyện đã chuỷen biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2017.

Mục đích của phiên họp còn nhằm phân tích để xem xét tiến độ, trách nhiệm và giải pháp cho các công tác trên địa bàn TP.Trong đó, dù có thành quả nhất định, tiến độ và chất lượng một số lĩnh vực còn cần đôn đốc. Các văn bản chỉ đạo tới UBND TP đều đã được triển khai rất quyết liệt, tuy nhiên công tác tổ chức thực hiện cần sâu xát, quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Theo đó, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội dựa trên các kết luận của HĐND, các giám sát… phân công, phân nhiệm tăng cường rà soát, có các biện pháp tích cực hơn cho các vấn đề. Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, bên cạnh việc nâng cao chất lượng kiểm tra và đồng thời có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để, không để xảy ra vi phạm mới, xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Riêng thanh tra xây dựng cần sớm làm rõ mô hình và nâng cao chất lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần