TỔNG THUẬT: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từ 15.00' Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội các nội dung: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.
Đề nghị có quy định quản lý tiền công đức
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có báo cáo gửi Quốc hội về những vấn đề chất vấn tại kỳ họp này. Đặc biệt, đề cập đến công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, Bộ trưởng Văn hoá thừa nhận hiện còn nhiều bất cập, thiếu văn bản có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể cùng các biện pháp răn đe đủ mạnh trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vấn đề này cũng chưa có hiệu quả để xã hội lên án các hành vi trục lợi thông qua tôn giáo, tín ngưỡng. “Vì vậy, vẫn còn hiện tượng dâng sao, giải hạn, thỉnh vong…”, báo cáo nêu rõ.
Bộ VHTT&DL cũng cam kết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để vạch trần thủ đoạn lừa bịp, buôn thần, bán thánh của các đối tượng hành nghề mê tín.
Báo cáo Quốc hội về vấn đề liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện nêu ba nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức. Trong đó, phí tham quan được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Riêng về tiền công đức, Bộ trưởng Văn hóa cho biết hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. Do đó, Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn quản lý tài chính tại các lễ hội và tiền công đức. Cùng với giải pháp đó, Bộ Văn hoá đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và đề nghị UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích, gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
61 đại biểu đăng ký chất vấn
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an.
Có 60 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Các đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội); Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ); Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang);... chất vấn Bộ trưởng các vấn đề: Chi ngân sách đầu tư cho văn hóa; giải pháp căn cơ, đột phá để du lịch tăng trưởng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi mê tín dị đoan ở những cơ sở tâm linh; xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật; ngăn chặn tình trạng đi du lịch nước ngoài bỏ trốn;... 
Khách quốc tế đến việt Nam chững lại do khách Trung Quốc giảm
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) về việc vì sao năm 2016-2017, khách quốc tế tới Việt Nam tăng 30%, nhưng 3 tháng đầu năm nay lại chững lại, chỉ đạt 8,8%; Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm nay lượng khách quốc tế tới Việt Nam có khả năng đạt 18 triệu, nhưng đúng là từ đầu năm đến nay có dấu hiệu chững lại do lượng khách Trung Quốc giảm vì nhiều lý do.
 Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội)
Về giải pháp,Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành du lịch phải đẩy mạnh giải pháp quảng bá, xúc tiến tại thị trường quan trọng như thị trường Trung Quốc. "Du khách từ thị trường Trung Quốc không tăng thì du lịch Việt Nam gặp khó. Không riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cũng rất chú trọng phát triển thị trường này", Bộ trưởng nói.

Phạt 5 triệu đồng với cá nhân vi phạm ở chùa Ba Vàng là mức cao nhất

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nêu chất vấn liên quan đến sai phạm thỉnh vong ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và cho rằng, việc bà Phạm Thị Yến, người tuyên truyền về "thỉnh vong", kêu gọi phật tử đến chùa "giải oan" bị phạt 5 triệu đồng là "quá nhẹ".

 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc thỉnh vong ở chùa Ba Vàng vừa qua là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, văn hoá cần lên án và xử lý. Chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cá nhân liên quan với mức 5 triệu đồng, đây là mức phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

"Thực ra mức 5 triệu đồng thì rất nhỏ nhưng tôi nghĩ có phạt đến 100 triệu thì cũng không phải lớn. Chúng tôi đồng ý trong quản lý Nhà nước phải tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính, song tiền là một chuyện, quan trọng hơn làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức với những việc làm như vậy. Chúng ta kết hợp giữa xử phạt và dư luận xã hội thì tốt hơn", Bộ trưởng  Thiện nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vụ việc ở chùa Ba Vàng. Bà nhấn mạnh có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở Ba Vàng, gồm có hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, các hoạt động này tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội. Bà cho rằng việc xử phạt rất nhẹ.

“Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại với vai trò quản lý ngành xử phạt đúng người đúng tội chưa, có cần thiết cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?”, đại biểu tiếp tục chất vấn.

Bà cũng muốn biết giải pháp chống tái diễn tình trạng trên như thế nào, vì sau khi bị xử phạt thì bà Yến tiếp tục tuyên truyền đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.

Không hy sinh di sản vì bất cứ giá nào
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải chờ đến năm 2030. Ông cho rằng phải khắc phục hạn chế của du lịch Việt, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, rồi liên quan đến xúc tiến, hạ tầng…
Để phát triển du lịch bền vững, phải thực hiện sao cho không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm nguy hại đến bảo tồn văn hóa. Bộ trưởng Thiện trích dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển bằng bất cứ giá nào”.
Người mẫu Ngọc Trinh mặc trang phục phản văn hoá khi dự Cannes
Nói về hiện tượng lệch chuẩn của một số công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề cập tới trường hợp người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm khi tham dự Liên hoan phim tại Cannes (Pháp).
Bộ trưởng cho hay, người mẫu này sang Pháp tham dự sự kiện trên với tư cách cá nhân, không phải do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cử đi
"Việc ăn mặc phản cảm của Ngọc Trinh là hành vi lệch chuẩn, hết sức phản cảm, phản văn hoá và phải lên án gay gắt", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và cho biết, Bộ này đang nghiên cứu quy định để xử phạt các trường hợp như nêu trên.
Trước đó hôm 19/5, Ngọc Trinh dự thảm đỏ Liên hoan phim Cannes theo lời mời từ một nhà tài trợ sự kiện. Cô diện đầm của nhà thiết kế Đỗ Long có chất liệu voan xuyên thấu, cắt khoét, đính pha lê dọc thân, hai tà xẻ cao quá hông.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định Bộ chấp hành nghiêm nghị định 79 về số lượng các cuộc thi hoa hậu. Tuy nhiên, các cuộc thi tổ chức rất nhiều vòng dẫn đến lầm tưởng về vượt quá số lượng.

Bộ trưởng khẳng định tất cả cuộc thi đều phải được cấp phép nhưng một số thủ tục ở đây làm không đúng. Tư lệnh ngành VHTT&DL cho hay, tháng 10 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ nghị định mới, trong đó có những biện pháp xử lý triệt để vấn đề trên.

Có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nêu chất vấn "có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh và việc một số quan chức góp tiền xây dựng chùa?".
 Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hoá các công trình tâm linh, thực hiện hành vi mê tín dị đoan nếu có là vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, hiện chưa có thông tin liên quan tới việc quan chức góp tiền xây chùa. Bộ trưởng Thiện đề nghị đại biểu Mai Bộ cung cấp thông tin chính xác để cơ quan quản lý Nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói "đại biểu chất vấn thì chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra". Chủ tịch quốc hội đề nghị đại biểu Nguyễn Mai Bộ nếu có thông tin việc cán bộ góp tiền xây chùa thì cung cấp để Quốc hội giám sát.
Việc sử dụng tiền công đức như thế nào?
Chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề về việc một số công trình tâm linh đặt quá nhiều thùng tiền công đức, "vậy việc sử dụng số tiền công đức này như thế nào?".
 Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa).
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về thu - chi tiền công đức; chỉ có thông tư liên tịch giữa Bộ VHTT&DL cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức "phải đúng mục đích, công khai".
Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 110 về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn thu - chi tiền công đức; Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn.
Bộ VHTT&DL đã đưa ra khuyến cáo đặt tối đa 3 thùng công đức tại mỗi khu di tích, cơ sở tâm linh. Tuy nhiên, với góp ý của đại biểu và căn cứ thực tiễn, Bộ sẽ đề xuất việc đặt thùng công đức tại các khu di tích như thế nào nhằm "đảm bảo nếp sống văn minh, văn hoá".

Phải tập trung phát triển du lịch biển

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về phát triển du lịch biển đảo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói, xét lợi thế biển, Việt Nam đứng thứ 32/153 quốc gia có biển. Hiện là du lịch biển đứng đầu trong 4 sản phẩm du lịch, chiếm 70% lượng khách, 60% doanh thu của toàn ngành du lịch.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

Vì vậy, Bộ VHTT&DL  xác định phải tập trung phát triển du lịch biển mạnh hơn, quy hoạch tốt các khu du lịch biển gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội để không phá vỡ môi trường, không tổn hại tài nguyên.

Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ như đường ven biển, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư du lịch biển, bên cạnh đó quan tâm phát triển bền vững sinh kế của người dân. Ven biển là nơi tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí chưa bằng các nơi khác. Phát triển du lịch biển phải lưu ý vấn đề dân sinh".