Cấp nước cho vụ Xuân: Chờ giải pháp căn cơ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội luôn là một trong những địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gặp nhiều khó khăn khi tổ chức lấy nước gieo cấy vụ Xuân. Giải pháp căn cơ cho vấn đề này là điều rất được quan tâm.

Mực nước sông Hồng quá thấp 
Trong nhiều năm qua, mực nước sông Hồng vào những tháng mùa hạn thường đạt khá thấp. Để bảo đảm nguồn nước cấp gieo cấy vụ Xuân, hàng năm, Bộ NN&PTNT đã làm việc, thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều tiết các hồ chứa nước thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để bổ sung dòng chảy cho hạ du. Mục tiêu là nhằm duy trì mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội ở mức +2,2m trở lên trong thời gian lấy nước. Dù kế hoạch là vậy, tuy nhiên thực tế, mực nước sông Hồng nhiều thời điểm lại không đạt kế hoạch.
 Trạm bơm Thanh Điềm (Mê Linh) là một trong những công trình đầu mối trong chống hạn vụ Xuân của Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Trong 3 đợt lấy nước của vụ Xuân năm 2018, tổng thời gian lấy nước là 15 ngày, tương ứng với 360 giờ. Tuy nhiên, thống kê có đến 254 giờ (bằng gần 70% tổng thời gian lấy nước vụ Xuân), mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội không đạt mức +2,2m theo kế hoạch. Nguyên nhân phía EVN đưa ra là do Nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ vận hành được 7/8 tổ máy phát trong thời gian xả nước.

Dù dòng chảy thực tế không ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình vùng triều nhưng lại khiến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi của Hà Nội bị suy giảm. Nhiều trạm bơm như Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Thanh Điềm (huyện Mê Linh)... không thể duy trì hiệu năng vận hành tốt nhất khi mực nước sông Hồng xuống quá thấp. Đây là nguyên nhân nhiều năm qua, Hà Nội luôn phải sử dụng nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy lợi để bảo đảm chống hạn cho những diện tích canh tác thường gặp khó khăn về nguồn nước.

Nghiên cứu giải pháp công trình

Thực tế, do được đầu tư từ lâu nên nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội (nhất là các trạm bơm) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, dù vẫn được TP thường xuyên quan tâm, bố trí nguồn vốn nâng cấp, tuy nhiên, hiệu năng phục vụ sản xuất của hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong bối cảnh ngân sách của Hà Nội có hạn, sự hỗ trợ của T.Ư đối với các dự án tái cơ cấu ngành thủy lợi là hết sức cần thiết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, nhìn trước được những khó khăn trong công tác lấy nước của Hà Nội, năm 2010, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án xây dựng Trạm bơm Phù Sa. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 7 năm, dự án trên vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai! Cùng với kiến nghị nâng cấp Trạm bơm Phù Sa, ông Nhã cũng đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu phương án xây dựng hồ chứa thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu lấy nước cho các địa phương thường xuyên gặp khó về nguồn nước vụ Xuân.
Tính toán của EVN cho thấy, mỗi ngày xả nước hồ chứa thủy điện để phục vụ sản xuất lúa Xuân, đơn vị này tốn khoảng 100 tỷ đồng. Từ thực tế trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, nếu nghiên cứu phương án đầu tư cho hạ tầng thủy lợi sẽ có ý nghĩa lớn hơn về lâu dài.
Theo ông Tỉnh, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc và đề xuất EVN đầu tư cho hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu lấy nước cho một số địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước vụ Xuân như Hà Nội, Bắc Ninh… Cũng liên quan tới giải pháp công trình, ông Tỉnh cho rằng, xây dựng đập dâng trên thượng nguồn sông Hồng cũng có thể xem là một giải pháp nhằm cấp nước bền vững cho vụ Xuân. Tuy nhiên, đây là phương án không chỉ cần nguồn vốn lớn, mà còn cần xin ý kiến của Chính phủ.
Sau khi kết thúc gieo cấy vụ Xuân, chúng tôi sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương, trọng tâm là Hà Nội và Bắc Ninh nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi giảm áp lực cấp nước vào vụ Xuân.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần