Cấp phép xây dựng căn hộ 25m2: Tính toán kỹ từng dự án, khu vực

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7 tới, Bộ Xây dựng cho phép các dự án nhà ở thương mại được xây dựng căn hộ diện tích từ 25m2 để bán.

Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân và giới chuyên gia. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn khi những hướng dẫn cụ thể để triển khai hiệu quả chưa được đưa ra.
Không cụ thể sẽ vỡ quy hoạch
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc cho phép xây căn hộ có diện tích tối thiểu 25m2 tại các dự án nhà ở thương mại tại Thông tư 21 của Bộ Xây dựng vừa ban hành như là một giải pháp tình thế nhằm đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp có chỗ ở thích hợp.
 Với việc cho phép xây dựng các dự án có căn hộ 25m2 sẽ giúp nhiều người có cơ hội sở hữu nhà hơn. Ảnh: Công Hùng
Bước đi này nhằm thực hiện chương trình nhà ở quốc gia và cũng là xu thế của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, việc đưa loại căn hộ này vào các dự án thương mại với tốc độ, quy mô phát triển như ở Hà Nội hiện nay thì khả năng làm tăng quy mô dân số đã được định hướng, xác định trong các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhất là khi thông tư lại đưa ra cơ cấu tỷ lệ chung cho loại căn hộ này ở mức 25% tổng số căn hộ. Vì vậy, để đảm bảo quy mô dân số, không nên áp dụng tỷ lệ căn hộ này chung cho tất cả các dự án mà nên căn cứ vào chỉ tiêu dân số đã được khống chế ở từng khu vực để có tỷ lệ căn hộ nhỏ thích hợp trong từng dự án.
Bên cạnh đó, khi loại hình căn hộ này ra đời có khả năng tác động đến hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của cả khu vực. Do vậy, khi cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ phải xem xét các chỉ tiêu công trình hạ tầng xã hội mới đảm bảo cuộc sống cho người dân. Bài học ở tuyến đường Lê Văn Lương thấy rất rõ điều này khi không mở đường, không làm hạ tầng kỹ thuật mà cứ tăng nhà ở đã dẫn đến hệ lụy quá tải giao thông tại khu vực này.
“Ngoài việc phải căn cứ vào quy mô dân số đã được định hướng, nhất định phải bám sát vào khả năng của hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của từng khu vực mới cho căn phép xây dựng căn hộ 25m2” – TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý, nếu không được quản lý chặt, căn hộ thương mại 25m2 từ một người ở có thể phát sinh ra thành 3, 4 người ở. Không những thế, căn hộ diện tích nhỏ sẽ có nguy cơ bị cơi nới, không còn theo thiết kế ban đầu mà thành ra xập xệ như “ổ chuột trên cao”.
Cần cụ thể cho từng khu vực
Để giải quyết tốt giữa việc giải quyết nhu cầu nhà ở và đảm bảo quy hoạch đô thị, các chuyên gia đều cho rằng, sau khi có Thông tư 21/2019 của Bộ Xây dựng, từng địa phương cần xem xét và hướng dẫn cụ thể hơn. Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, đối với Hà Nội, TP cần có hướng dẫn áp dụng thích hợp cho từng khu vực như các huyện sắp lên quận, khu vực trung tâm, khu vực nội đô lịch sử…
Nếu không tính toán kỹ, quy định cụ thể việc cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư đổ dồn vào xây dựng tại những khu vực trung tâm. Từ đó, nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị nặng nề, làm nảy sinh nhiều hệ lụy như tắc nghẽn giao thông, thiếu chỗ đỗ xe, các vấn đề về môi trường...
Bên cạnh đó, nhằm tránh việc các chủ đầu tư chỉ tập trung vào việc xây các căn hộ nhỏ để bán, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu có thêm cơ chế chính sách ưu đãi để các chủ đầu tư gia tăng phương thức cho thuê và thuê mua căn hộ lớn tại các dự án nhà ở xã hội. Như vậy, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, vừa hạn chế những căn hộ nhỏ dễ gây ra áp lực đô thị.

"Cần phải xem xét hướng dẫn cụ thể hơn khi thực hiện Thông tư 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Các dự án nên xây khu vực ngoài trung tâm đô thị, cũng như tính toán kỹ về tổng thể quy hoạch phân bố dân cư và vấn đề quản lý dân cư trong quá trình ở." - Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính