Cấp phép xây dựng ngoài đê: Tránh để lợi dụng cơ chế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng sai phép, trái phép), vi phạm pháp luật về đê điều tại các khu vực ngoài đê sông Hồng diễn ra phức tạp, khó xử lý. Trong khi đó, nhu cầu về sửa chữa, cải tạo nhà của người dân tại các khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản, chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn và UBND các quận, huyện, thị xã xem xét cấp phép xây dựng để sửa chữa, cải tạo công trình hiện có theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Cấp phép cải tạo, sửa chữa nhà khu vực dân cư ngoài đê sông Hồng cần phải cẩn trọng với việc lợi dụng cơ chế. Ảnh: Doãn Thành
Khó xử lý
Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) Lê Văn Thủy cho biết, các khu vực bãi bồi ven sông Hồng, người dân đã ổn định sản xuất nhiều năm nay, một số trường hợp đã lấn chiếm phần đất sản xuất để xây dựng chui các công trình nhà ở. “Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý và cưỡng chế phá dỡ nhiều công trình xây dựng sai phạm nhưng thực tế nhiều trường hợp sau khi bị phá dỡ cố tình xây dựng lại. Có trường hợp chúng tôi phải xử lý nhiều lần thì người dân mới chịu dừng” – ông Thủy cho hay.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội thời gian gần đây có giảm nhưng lại diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, khó xử lý, trong đó không ít trường hợp có sự tiếp tay, buông lỏng quản lý từ chính quyền cơ sở. Khi đồng ý cho việc cấp phép cải tạo, sửa chữa nhà tại các khu vực ngoài đê, chính quyền TP cũng phải tăng cường xử lý, kỷ luật những trường hợp lãnh đạo, cá nhân vi phạm, tránh làm gia tăng những sai phạm về trật tự xây dựng trong thời gian tới.
KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Bên cạnh những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ở các khu vực ngoài đê hai bên bờ sông Hồng (đoạn chạy qua địa bàn TP Hà Nội), có nhiều điểm dân cư người dân sinh sống ổn định; trong đó một số khu vực không có trong danh mục của Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Cũng theo ông Lê Văn Thủy, đối với những khu vực dân cư đã sinh sống ổn định trong thời gian dài, nhiều công trình nhà ở đã bị xuống cấp, muốn sửa chữa cải tạo lại nhưng chính quyền địa phương lại rất khó xử lý vì chưa có văn bản hướng dẫn hay cho phép của TP. “Việc sửa chữa, cải tạo công trình nhà ở của người dân ở ngoài đê sông Hồng có liên quan đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, pháp luật về bảo vệ đê điều... Nên khi chưa có hướng dẫn của cơ quan cấp trên, chính quyền cơ sở không dám tự ý thực hiện” – ông Thủy cho biết thêm.
Quản lý, giám sát chặt chẽ
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông thuộc địa bàn TP, UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo 208/TB-UBND quyết trước mắt nhu cầu về cải tạo, sửa chữa nhà tại khu vực không có trong danh mục của Quyết định 257/QĐ-TTg, bảo đảm an toàn công trình và điều kiện sinh hoạt của Nhân dân. Việc cấp phép xây dựng phải bảo đảm yêu cầu công trình đã được xây dựng trên đất hợp pháp, không thuộc diện vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai.
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, đối với các khu vực ven đê và ngoài đê sông Hồng, vấn đề về quản lý trật tự xây dựng, quản lý đê điều nhiều phức tạp. Ngay tại những khu vực dân cư đã sinh sống ổn định, rất nhiều trường hợp đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc là nhà đã được xây dựng trên đất xen kẹt, đất nông nghiệp trước đây... nên khi cấp phép xây dựng đối với những trường hợp này là thiếu căn cứ. “TP Hà Nội có chủ trương tháo gỡ khó khăn trong cấp phép cải tạo, sửa chữa nhà của người dân tại các khu vực này là hợp lý. Nhưng cũng cần phải có sự quản lý rõ ràng, không để lợi dụng cơ chế để hợp thức hóa các công trình xây dựng tại những mảnh đất chưa đủ điều kiện” – luật sư Thơm nói. Đồng thời cũng cho rằng, khi thực hiện, nếu quản lý, giám sát không chặt chẽ, sát sao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có thể hình thành nhóm lợi ích cá nhân để trục lợi từ việc “lách luật” để cấp phép cho những công trình không đủ điều kiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần