Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ngoài đê sông Hồng: Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Hà Nội khởi động lại Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được dư luận rất quan tâm thời gian qua, trong đó những người dân trong vùng quy hoạch tỏ rõ sự vui mừng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng để quy hoạch này được duyệt và đi vào thực tiễn đời sống cần cả một quá trình dài hơi, còn việc hàng vạn người dân sống ổn định ở khu vực ngoài đê vẫn đang từng ngày chờ đợi được xây sửa nhà cửa để có thể an cư lạc nghiệp cần được TP xem xét giải quyết sớm.

 Nhiều hộ dân sống tại khu vực ngoài đê sông Hồng đang phải sống trong những ngôi nhà không bảo đảm an toàn nhưng không được cấp phép xây dựng mới vì vướng quy hoạch. Ảnh: Vũ Lê
Nhu cầu bức thiết của người dân

Hiện nay, khu vực ngoài đê ở hai bên bờ sông Hồng, đoạn chạy qua địa bàn TP Hà Nội có gần 1 triệu dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Phú Xuyên. Trong đó, đoạn qua các quận trung tâm TP như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… có nhiều điểm dân cư người dân sinh sống ổn định, một số khu vực không có trong danh mục phải di dời của Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Tại những điểm dân cư này, hầu hết các công trình xây dựng nhà ở của người dân, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã được xây cách đây nhiều năm khi kinh tế còn hết sức khó khăn và chưa có quy hoạch nên chất lượng rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện nay. Do đó, trong khi quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được triển khai, nhu cầu về cải tạo, xây dựng nhà của Nhân dân vẫn rất lớn và bức thiết để ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Lê Thị Chiến (tổ dân phố 26 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) gồm 7 nhân khẩu với hai cặp gia đình, đang phải sống trong ngôi nhà ngói 35m2 xây từ cách đây hơn 50 năm. Hiện ngôi nhà đã xuống cấp nặng, tường nhà nứt vỡ, mái nhà dột mỗi khi mưa bão và có thể sập xuống bất cứ lúc nào. “Mong các cấp chính quyền xem xét, cho phép chúng tôi được xây dựng lại nhà cửa để có chỗ ở an toàn mỗi khi gió bão”- bà Lê Thị Chiến bày tỏ. Còn đối với nhà ông Lê Đình Dũng, phường Cự Khối, quận Long Biên có 400m2 đất thổ cư được chính quyền xác nhận đầy đủ nhưng lâu nay gia đình ông vẫn ở trong căn nhà cấp 4 tạm bợ mà không dám xây dựng mới. Bởi theo như ông Dũng chia sẻ, quy định ở vùng ngoài bãi chỉ được cấp phép xây dựng tạm thời, khi Nhà nước thu hồi, giải tỏa chỉ được đền bù giá đất mà không được đền bù ngôi nhà đã xây trên đất.

Hai trường hợp gia đình nêu trên là những điển hình trong hàng chục nghìn hộ dân dọc hai bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội đang thấp thỏm, lo âu sống tạm trên chính ngôi nhà của mình trong khi chờ quy hoạch.

Cùng với đó, thời gian qua, việc chưa triển khai được quy hoạch khiến công tác quản lý trật tự xây dựng thuộc các phường ngoài đê cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai Bùi Thanh Nhã cho hay, nhu cầu cấp bách của người dân không tránh khỏi vi phạm trật tự xây dựng, lực lượng chức năng ở địa phương mất nhiều thời gian để xử lý. Do vậy, trong khi chờ quy hoạch được duyệt, các ngành chức năng của TP sớm có những hướng dẫn cụ thể UBND các quận, huyện, thị xã xem xét cấp phép xây dựng để cải tạo, sửa chữa công trình hiện có...

Cấp phép xây dựng nên có thời hạn

Để giải quyết trước mắt nhu cầu của Nhân dân, mới đây TP đã có Văn bản số 149/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về việc tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông thuộc địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, lãnh đạo TP cơ bản thống nhất về nguyên tắc với nghiên cứu đề xuất của Sở Xây dựng về việc nghiên cứu, phân loại các trường hợp quản lý (không được xây dựng; cải tạo chỉnh trang; được xây dựng mới phù hợp với trường hợp phải di dân; trường hợp được tồn tại tại khu vực dân cư tập trung...) theo đúng ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản 3497/BXD-HDXD ngày 21/7/2020 và phù hợp quản lý quy hoạch. Theo đề xuất, đối với trường hợp xây dựng mới tại khu vực bãi sông Hồng quy mô xây dựng không quá 5 tầng (và 1 tum kỹ thuật), kèm theo các yêu cầu về kỹ thuật, kết cấu công trình, thời hạn cấp phép, bảo đảm phù hợp, đồng bộ với việc thực hiện các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch phòng, chống lũ được phê duyệt.

Đáng lưu ý, Thông báo kết luận nêu rõ, trong giai đoạn quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch xây dựng vùng huyện liên quan chưa được duyệt, mọi trường hợp cấp phép xây dựng mà phù hợp quản lý chỉ nên là có thời hạn. Sở Xây dựng nghiên cứu phương pháp quản lý các khu vực bãi sông khác trên địa bàn TP để thống nhất quản lý và đồng bộ (trong phạm vi đề xuất quản lý của Sở Xây dựng hiện nay là sông Hồng).

Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Nguyễn Đình Công cho hay, những bất cập khó khăn của Nhân dân đã được lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền cần quan tâm đẩy nhanh việc thực hiện những chỉ đạo này. Vì trước đó, vào tháng 3/2020, tại Thông báo 208/TB-UBND, lãnh đạo TP đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xem xét cấp phép xây dựng để cải tạo, sửa chữa công trình hiện có theo thẩm quyền và quy định pháp luật nhưng đến thời điểm hiện nay, chính quyền địa phương chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào từ Sở Xây dựng.

Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch phân khu sông Hồng đang được TP quyết tâm thực hiện nhưng vẫn còn những tồn tại cần phải xem xét nên chưa thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân lại đang rất cấp thiết. Trong thời gian chờ đợi quy hoạch, TP đã có những động thái nhằm cho phép người dân xây dựng nhà theo quy định mới, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đến đời sống dân sinh bức thiết của người dân. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng cho những công trình nhà ở tại khu vực ngoài đê cần hết sức thận trọng và cân nhắc từng trường hợp cụ thể. Vì nếu không sẽ gây lãng phí tài sản của dân, của Nhà nước và đồng thời tránh được những căng thẳng cho cơ quan quản lý khi tiến hành giải phóng mặt bằng thu hồi đất thực hiện dự án khi đã có quy hoạch.
Về lâu dài, để có đủ cơ sở và công cụ trong quản lý trật tự xây dựng khu vực ngoài đê, TP cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần