Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cấp thiết bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội] Bài 4: Bảo tồn gắn với phát huy giá trị

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền TP Hà Nội đã tiên phong làm việc với các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiên cứu, khảo sát xác định giá trị kiến trúc, đồng thời phân loại biệt thự Pháp cổ theo cấp độ giá, làm cơ sở để đề xuất định hướng bảo tồn và cải tạo. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cần phải gắn với khai thác kinh tế để có nguồn tài chính phục vụ công tác bảo tồn được tốt hơn.

 Muốn công tác bảo tồn nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đạt hiệu quả thì cần gắn với việc khai thác, sử dụng. Ảnh: Doãn Thành
Quản lý gắn với khai thác kinh tế

Ngoài những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, Hà Nội còn được biết đến với khu phố cổ có nhiều công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, phong cách kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, mang đặc trưng riêng, tạo nên diện mạo khác biệt của Thủ đô so với những TP, Thủ đô các nước. Nhiều biệt thự Pháp cổ có giá trị về kiến trúc, kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội. Đây cũng chính là lý do Thủ đô ngày càng thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. "Ý thức được điều đó, trong suốt quá trình vận hành kinh doanh, toàn bộ phần thiết kế kiến trúc bên trong và ngoài căn biệt thự chúng tôi giữ nguyên hiện trạng, chỉ sửa chữa hạng mục phụ trợ trong quá trình sử dụng bị xuống cấp” – bà Yến Trịnh, Giám đốc Điều hành nhà hàng Ngon, một công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ đang được chủ sở hữu cho thuê để phục vụ kinh doanh trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) cho biết,

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết, công trình kiến trúc thời thuộc địa Pháp ở Hà Nội được ca tụng là đẹp nhất vùng Viễn Đông đầu thế kỷ XX. Đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng và là một bộ phận hữu cơ trong đời sống, kết nối các tầng lớp trong xã hội của Thủ đô một cách bền vững... Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế chính là bảo tồn kết hợp khai thác giá trị, không những không tạo rào cản mà còn giúp kinh tế phát triển. “Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài giá trị của khối tài sản này. Hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển” - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận.

Phân loại để bảo tồn

Theo Trưởng phòng Kế hoạch kiến trúc (Ban Quản lý phố cổ Hà Nội) KTS Nguyễn Hoàng Phương, trong phố cổ chưa có quy hoạch bảo tồn, rộng hơn là trong Luật Di sản chưa có khái niệm về bảo tồn di sản đô thị, chỉ có di tích, cụm di tích. “Bảo tồn kiến trúc đô thị không có nghĩa là “bảo tàng hóa”, yêu cầu kiến trúc bề mặt của khu phố giữ nguyên trước dòng chảy cuộc sống. Các công trình thể hiện lịch sử lâu đời của kiến trúc đô thị cổ tại Hà Nội” - KTS Nguyễn Hoàng Phương cho hay.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, kiến trúc Pháp ở Hà Nội được đánh giá là một quỹ di sản kiến trúc đô thị, góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội. Vì vậy, cần phải tiến hành xếp hạng chính thức để có cách ứng xử thích hợp trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh hiện nay và đáp ứng với nhu cầu sử dụng mới. Ý thức được điều này, TP Hà Nội đã làm việc với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, khảo sát xác định giá trị, phân loại biệt thự theo cấp độ giá trị kiến trúc, làm cơ sở để đề xuất định hướng bảo tồn và cải tạo. “Để đánh giá toàn bộ quỹ kiến trúc Pháp ở Hà Nội, cần thiết tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các thể loại kiến trúc khác còn lại. Trong đó, chú trọng đánh giá toàn diện các vấn đề kiến trúc và kỹ thuật của công trình. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị quỹ di sản kiến trúc Pháp đạt hiệu quả cao nhất, góp phần khẳng định diện mạo đặc trưng của kiến trúc đô thị Hà Nội” - PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhìn nhận.

Để công tác quản lý, sử dụng gắn với bảo tổn quỹ nhà biệt thự Pháp cổ được tốt hơn, cơ quan T.Ư cần sớm tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy chế quản lý, sử dụng để bảo tồn, tôn tạo, phá dỡ, cải tạo, xây dựng nhà biệt thự. Bố trí kinh phí để đánh giá chất lượng và thực hiện việc bảo trì, cải tạo các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, lập hồ sơ quản lý, bảo tồn, tôn tạo biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu (trước mắt sẽ lập hồ sơ quản lý 3D đối với Nhóm 1, phối hợp với Đại sứ quán Pháp để sao tìm tài liệu lưu trữ hồ sơ trước đây về nhà biệt thự). Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu nhà biệt thự nhằm phát huy giá trị về vị trí, kiến trúc, nghệ thuật của các nhà biệt thự.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Trong quá trình phát triển, đô thị hóa, việc bảo tồn được quỹ nhà biệt thự Pháp có vai trò quan trọng. Vì vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện, cần tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách về bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự để người dân được biết, ủng hộ và tham gia”.
(còn nữa)
Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về điều chỉnh danh mục biệt thự tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND, Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND và chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành rà soát, phân loại lập danh mục biệt thự. Sở đã có Tờ trình số 218/2019/TTr-SXD báo cáo UBND TP ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND về danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, bao gồm 1.225 biệt thự được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; Nhóm 2 có 356 biệt thự; Nhóm 3 có 647 biệt thự.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng