Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Còn đối phó, không thực chất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thực sự được bãi bỏ hiện là 771 ĐKKD, trong khi đó có 29 ĐKKD phát sinh. Nếu tính tổng số các ĐKKD hiện hành, thì việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD không đạt 50%.

Đăng ký kinh doanh vừa kém chất lượng, vừa lạc hậu
Tại hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị” tổ chức sáng 14/11, Viện phó CIEM Phan Đức Hiếu điểm ra một số ĐKKD có tác động lớn đến thị trường như: ĐKKD về gas trong Nghị định 87/2018, hay một số ĐKKD quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút gọn.
 Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, “có những trường hợp chỉ sửa dưới hình thức diễn đạt lại quy định, không phải giảm, hoặc gộp nhiều ĐKKD thành một, hoặc sửa đổi nhưng không thực sự đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho DN. Trong khi lại có những điều kiện mới lại mọc trở lại với chất lượng kém, không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN” - ông Hiếu chia sẻ và nêu ví dụ như quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp DN: Yêu cầu phải có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm; có đủ phòng làm việc cho Kiểm định viên với diện tích tối thiểu 8m2/người…

"Để hoạt động rà soát, điều chỉnh ĐKKD của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, cần tăng cường sự tham vấn của cộng đồng DN Việt Nam. Hiện có hơn 500 Hiệp hội, đặc biệt, Hiệp hội DN nhỏ và vừa cần hoạt động mạnh hơn nữa, đánh giá, tham luận chính sách, phải có lực lượng chuyên trách theo dõi đánh giá các văn bản tác động đến DN. Hiện nay vai trò của Hiệp hội DN rất yếu, phải tích cực hơn nữa." - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Nhìn vào báo cáo số DN mới tăng lên 2,8% nhưng số DN giải thể, ngừng hoạt động là 48%, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Thứ nhất, môi trường kinh doanh trong nước đang có vấn đề. Việt Nam đang hội nhập sâu, thị trường hiện nay không còn là thị trường trong nước mà là của cộng đồng ASEAN, của CPTPP với thuế suất giảm chỉ còn 0 - 5%. Thứ hai, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi và xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, ở Mỹ hiện có 34,5% số người lao động làm việc ở nhà, qua dịch vụ CNTT... Trong khi ở ta vẫn quy định về số người lao động, quy định diện tích làm việc tối thiểu 8m2/ người. Ông Doanh cho rằng, ĐKKD của ta đã lạc hậu so với thế giới.

Gia tăng sức ép để thay đổi

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho hay, khi rà soát trên 5.700 ĐKKD, CIEM đề xuất bãi bỏ 3/4 nhưng cuối cùng Ban soạn thảo quyết định yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất một nửa (50%). "Nhưng đến giờ, so với con số đặt ra thì chỉ thay đổi được 1/3 (trong tổng số 50% yêu cầu), và trong số 1/3 này thực chất cắt giảm bãi bỏ cũng không nhiều, chủ yếu cắt giảm về thời gian xin phép, giảm số lượng hồ sơ, giảm các quy định về địa điểm, tài sản, chất lượng nhân sự… Như vậy tính về thay đổi thực chất thì chưa đạt yêu cầu" - ông Cung chỉ rõ.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, những Bộ nào mà Bộ trưởng, người đứng đầu thực sự quan tâm chỉ đạo, nhạy cảm, nhạy bén với khó khăn của DN, thực sự muốn tháo gỡ vướng mắc cho DN thì tỷ lệ thực chất trong cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD sẽ cao hơn, ví như Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng đã cắt giảm mạnh. “Rất đáng tiếc ở Bộ NN &PTNT tỷ lệ thay đổi thực chất hơi thấp khoảng 10% trong khi ngành này rất cần tạo điều kiện cho DN đầu tư, hoạt động kinh doanh vì đây là lĩnh vực nhiều rủi ro” - Viện trưởng CIEM nói.

Theo ông Cung, các Bộ trưởng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo sức ép cấp dưới thay đổi, song còn phụ thuộc vào thay đổi cách thức thực hiện ở các cấp địa phương. Thay đổi ĐKKD, vai trò của Bộ trưởng là quyết định, nhưng việc thực thi là do Chủ tịch tỉnh/TP quyết định. Chủ tịch tỉnh/TP phải rà soát, đánh giá, theo dõi, cán bộ nào có những hành vi hoặc bị phản ánh có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN thì dứt khoát thay thế người đó, không cần phải kiểm điểm. Đồng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ cho rằng phải có số liệu cụ thể ai làm tốt ai làm chưa tốt, nguyên nhân phải rõ ràng để kịp thời điều chỉnh.

"Phải có cơ quan thuộc Chính phủ đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định ban hành hay không ban hành văn bản. Cơ quan này không thuộc quản lý Nhà nước, không có DN sau lưng, không thực hiện cấp phép gì cả mà chỉ rà soát, đánh giá chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn thực sự độc lập. Ngoài tính độc lập phải có các nguồn lực bên ngoài là các công ty tư vấn, cộng đồng DN tham vấn thẩm định." - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần