Thông báo kết luận nêu rõ, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã đặt ra mục tiêu chủ yếu đối với lĩnh vực tài chính là: Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng số thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao; cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên là 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước; đảm bảo chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán Quốc hội giao; khuyến khích đầu tư xã hội và bảo đảm cân đối về đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34%.Để thực hiện các mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Thuế tập trung phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2018 được Quốc hội, Chính phủ giao. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; đề xuất cải cách, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính thuế, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.Đồng thời nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thuế, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, quy chế, kỷ luật trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm các quy định về luân chuyển cán bộ, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.Bên cạnh đó rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách thuế đảm bảo ổn định lâu dài, lấy người nộp thuế là trọng tâm trên cơ sở tổng kết, đánh giá tác động trên các mặt, kinh nghiệm trong và ngoài nước; nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách thuế toàn diện, bao quát, nuôi dưỡng nguồn thu; bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam theo các Hiệp định và thông lệ quốc tế về thuế.Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Có cơ chế khuyến khích hộ cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, sử dụng thiết bị thanh toán điện tử, thẻ trong kinh doanh mua, bán hàng hóa, dịch vụ.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống chuyển giá, nhất là đối với hoạt động, phương thức kinh doanh mới và thương mại điện tử. Đẩy mạnh kê khai, nộp, hoàn thuế bằng phương thức điện tử; thường xuyên lắng nghe phản ánh của dư luận báo chí, người nộp thuế; tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Thuế cần phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, trình Chính phủ Đề án quản lý thuế đối với khu vực kinh tế phi chính thức. Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân.Ngành Thuế cần nâng cao năng lực phân tích dự báo; chuẩn hóa dữ liệu quản lý thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuế; chủ động trong đàm phán quốc tế về thuế; đánh giá tác động của hội nhập tới phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách để có giải pháp, đối sách cho phù hợp.