Cắt giảm thủ tục hành chính: Không được cài cắm câu chữ để "bẫy" doanh nghiệp

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi kiểm tra các bộ, ngành trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.rn

 Quang cảnh buổi làm việc sáng 28/2. Ảnh: VGP.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, năm 2017, phát triển kinh tế - xã hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật và ghi những dấu ấn về nỗ lực, giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong năm nay, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu tập trung đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó rất chú trọng nâng cao năng suất lao động, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương với tinh thần cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục, danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
"Thủ tướng yêu cầu các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, các điều kiện kinh doanh, thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp. Việc cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không cắt giảm cơ học thuần túy, không chỉ sửa câu chữ, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng đánh giá, về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, trong năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 4 cuộc và một số bộ đã có cắt giảm rất tốt. Tuy nhiên, một số bộ đã công bố cắt giảm nhưng chưa có giải pháp cụ thể.

Về lĩnh vực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hiện số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều, tới 243 ngành nghề. Trong đó có nhiều bộ làm rất tốt, như Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định sửa nhiều nghị định, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương. Bộ Y tế cũng được hoan nghênh khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm, cắt giảm nhiều thủ tục...

Qua đó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại ý kiến Thủ tướng nhắc nhở các bộ phải khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội.

Cụ thể như nhiệm vụ trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ tiến hành thí điểm thi công 1 km đường để xác định chi phí thực tế nhất, tiết kiệm nhất, minh bạch nhất; nhiệm vụ giao Thanh tra Chính phủ thanh tra một số dự án như cảng Quy Nhơn; nhiệm vụ giao các bộ báo cáo về cảng Cái Mép, cảng Thị Vải… Những nhiệm vụ trên được Chính phủ giao cho các đơn vị từ lâu nhưng hiện đang chậm tiến độ.