Câu chuyện bó đũa và doanh nghiệp Việt thời nay

Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước nhiều đổi thay, đội ngũ DN, doanh nhân Việt ngày một trưởng thành. Đã đến lúc cần xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo ra đội ngũ doanh nhân mạnh trong tâm thế kết nối thành thương hiệu riêng của Việt Nam.

Đặt kinh tế tư nhân ở vị trí xứng tầm
Thời gian gần đây, vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế ngày càng quan trọng, chiếm tới 39 - 40% GDP của cả nước; thu hút khoảng hơn 70% lực lượng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định xã hội và tốc độ tăng trưởng. Chính vì vậy mà trong Nghị quyết chuyên đề nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua có Nghị quyết về kinh tế tư nhân. Nghị quyết này được ban hành cùng chùm 3 Nghị quyết là phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới DN Nhà nước và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chúng ta đã đánh giá kinh tế tư nhân theo một cách nhìn mới, coi kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước nằm trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Nó tách ra khỏi tư duy phân biệt DN tư nhân và DN Nhà nước. Nếu như ở thời kỳ đầu đổi mới, đóng góp của DN Nhà nước chiếm tuyệt đại đa số, thì đến nay đóng góp của Nhà nước đang lùi xuống còn khoảng 1/3. Đến thời điểm này kinh tế tư nhân đã thể hiện sức sống trước áp lực của khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, là bệ đỡ cho nền kinh tế không rơi xuống quá sâu.
Lắp ráp ô tô tại Công ty Hyundai Thành Công.  Ảnh: Nguyễn Lương.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm nổi bật, thì kinh tế tư nhân có những hạn chế. Nếu đối chiếu với 5 tiêu chí quản trị DN, thấy rằng kinh tế tư nhân tương đối yếu. Đó là chiến lược phát triển, tiền lương, ứng dụng công nghệ mới, các chính sách an sinh xã hội nghĩa vụ với Nhà nước và đối với nguồn nhân lực qua đào tạo. Chúng ta gọi là kinh tế tư nhân, nhưng hiện nay vẫn lạc hậu. Không thể mỗi cá thể có mảnh ruộng nhỏ tự trồng hoa, rau một luống bán, một luống ăn. Sao không nghĩ kinh tế tư nhân là nhiều người nông dân gom lại với nhau thành một cánh đồng lớn. Nhiều hộ sản xuất nhỏ gom lại với nhau để ra một hợp tác xã vận tải có thể có những xe tốt. Vấn đề là kinh tế tư nhân sở hữu cá nhân, nhưng được quản trị theo phương thức công nghiệp, đấy mới là cái chúng ta hướng tới. Phải trong một mối liên kết, khi có liên kết tốt mới tham gia vào chuỗi được. DN tư nhân của ta hiện nay chỉ là những mảnh sắt li ti chưa liên kết được vào nhau thành một bánh răng, thì không thể liên kết được vào bộ máy.
Gắn kết 3 trụ cột kinh tế
Nếu đi tìm những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hiện nay của Việt Nam thì số lượng vẫn đếm trên đầu ngón tay, chỉ có một vài cái tên gây chú ý như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, TH True Milk, Hoa Sen... Ngay cả phân bố của DN tư nhân cũng không đồng đều, chỉ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và bất động sản. Rất ít DN tư nhân trong lĩnh vực sản xuất kết cấu với chuỗi giá trị trong nước và khu vực.
Hầu hết DN tư nhân vẫn là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 97% DN nhỏ và vừa theo tiêu chí chính thức, hơn 40% DN có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng theo số liệu của Tổng cục Thuế. Lo ngại hơn là theo thời gian, quy mô DN đang ngày càng nhỏ đi theo nhiều báo cáo và nghiên cứu. DN của ta như những chiếc đũa, vẫn đứng một mình, trở nên yếu ớt. Để có lực lượng DN hùng hậu, DN trong nước cần liên kết lại, gắn kết cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, xác định các mũi nhọn cụ thể, tránh phong trào, dàn hàng ngang; nắm rõ thị trường, hiểu thị trường; lường trước những rủi ro, khó khăn; đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Phải làm sao để tạo ra đội ngũ doanh nhân mạnh trong tâm thế kết nối và thành thương hiệu riêng của Việt Nam.
Cách đây hơn chục năm, câu chuyện liên kết đã được nhắc đến nhiều, nhưng đến giờ liên kết giữa DN Việt Nam với nhau hay thậm chí là DN Việt Nam với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn gần như bằng không. Trong thế giới phẳng, không có gì còn là địa phương. Tất cả những gì chúng ta làm đều hướng tới xây dựng những thương hiệu hàng hóa cũng như thương hiệu DN Việt Nam.
Để nâng đóng góp của kinh tế tư nhân từ 40% GDP hiện nay lên 60%, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, đa dạng cần tạo môi trường bình đẳng giữa 3 khối DN với nhau. Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện. Một Nhà nước kiến tạo để có thể tạo ra một khung khổ tốt cho nền kinh tế vận hành bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả, sẽ tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi. Tháo gánh nặng chi phí, coi các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật và đều có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; hỗ trợ DN nhỏ và vừa và khởi sự DN. Tăng cường lựa chọn khi thu hút FDI và kết nối DN FDI với DN trong nước.
Và quan trọng hơn, DN cũng phải đổi mới, tự nâng cao năng lực. Hướng tới hội nhập, thế giới đã biết đến Việt Nam, mỗi một doanh nhân, DN bằng khả năng của mình vẽ một bức tranh muôn màu. Việt Nam không chỉ có dệt may, không chỉ có nông sản thô, da giày… mà có nhiều thứ khác. Có vô vàn hình thức sống động mà các DN bằng sức của mình tạo ra động lực phát triển.