Khách quan, không giấu giếm

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc họp báo chiều 17/9/2019 của TP Hà Nội dưới sự chủ trì của Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ đã “vỡ” ra nhiều điều. Qua đó đã góp phần giải toả bớt những lời đồn thổi hoặc ì xèo của dư luận xung quanh việc xử lý sự cố hoả hoạn tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trí phiên họp chiều 17/9
Trong số những câu hỏi của báo chí, các vị đại diện cho Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Y tế, Sở TN&MT, chính quyền quận Thanh Xuân và chính quyền phường Hạ Đình (nơi xảy ra sự cố) đã giải đáp khá rõ. Cụ thể trước những thông tin cho rằng việc chính quyền quận Thanh Xuân ra lệnh yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi thông báo tình hình và cảnh báo, thậm chí còn có tin đồn chính quyền phường sẽ bị kỷ luật này nọ vì đã nhanh nhảu ra văn bản nói trên, là để dấu đi những “bí mật” không muốn cho dân biết là không hề có. Và việc UBND phường Hạ Đình chủ động thông báo việc thu hồi văn bản đã phát hành là đúng với quy định của luật hiện hành.
Có thông tin cho rằng trong suốt thời gian qua, lãnh đạo cấp TP không thấy xuống hiện trường, liệu có gì đó là không bình thường? Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí đã được trả lời khá rõ là là không phải vậy. Cùng với những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP trong việc khắc phục hậu quả tại Công ty Rạng Đông, đã có 3 vị lãnh đạo ở cấp Ủy viên Ban thường vụ Thành uỷ thay nhau xuống hiện trường, hoặc để chỉ đạo khắc phục hậu quả, hoặc thăm hỏi động viên, tặng quà và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con Nhân dân, của các cháu học sinh trong khu vực.
Cùng với đó, TP cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức cho hơn 2.000 trường hợp có nguyện vọng được thăm khám. Và có trên 600 trường hợp yêu cầu chuyển viện xét nghiệm tiếp đều được TP đáp ứng tại nhiều bệnh viện trong TP. Điều này đã cho thấy mọi tình huống đều đã được thành phố chủ động lo toan chu đáo...
Những công việc khắc phục được triển khai khá bài bản nhưng do có những suy đoán không có cơ sở. Những thông tin nhiễu loạn từ việc công bố chỉ số môi trường trong khu vực đến việc đánh giá sơ bộ của Binh chủng Hoá học thuộc Bộ Quốc phòng khi họ nhập cuộc thu dọn hiện trường bị lợi dung gây hoang mang cho dư luận và người dân với câu hỏi hình như “đang có chuyện lớn “nên mới phải làm như thế (?!)). Nhưng, để đảm bảo tính khách quan và mang tính độc lập cao về khoa học, TP Hà Nội đã đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nhập cuộc, đề nghị Viện này mời cả chuyên gia Nhật sang hỗ trợ. Và kết quả bước đầu chứng minh kết quả đánh giá bước đầu được đưa ra đã phần nào trấn an được dư luận.
Thực tế, đây là cách làm nghiêm túc, muốn có được sự trung thực, khách quan để đối chúng với kết quả xét nghiệm trước đó. Như vậy có nghĩa là TP đã rất cầu thị trong việc có những kết quả nghiên cứu độc lập để người dân yên tâm hơn, đâu có gì mà phải giấu giếm dư luận.
Từ vài ví dụ nêu trên qua một vụ hoả hoạn liên quan đến chất độc hại nguy hại đến môi trường đã và đang đặt ra nhiều việc cần làm trong đó có không ít nội dung liên quan tới công tác truyền thông. Đó là người làm báo cần bám sát các thông tin từ những cơ quan có trách nhiệm cung cấp, không nên suy đoán để vấn đề vốn đã nóng lại vô tình “đẩy” sự việc đi xa. Nhiều khi, chỉ do công tác tuyên truyền chưa khách quan, thiếu cẩn trọng mà dễ bị hiểu lầm, gây hoang mang cho nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần