Câu chuyện tái cấu trúc có một không hai từ Xuân Mai Corp

Thanh Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi nhóm cổ đông mới mua lại 51% cổ phần của Xuân Mai Corp từ Vinaconex, công ty này đang đứng trước bờ vực thẳm. Thế nhưng, một đơn vị từng là niềm kiêu hãnh của ngành xây dựng phía Bắc đã không có một kết cục buồn khi những nhà đầu tư mới sẵn sàng góp sức.

 Xuân Mai Corp - niềm kiêu hãnh của ngành xây dựng phía Bắc 
Những thay đổi
Thời điểm 2013, ai cũng nghĩ sẽ có một cuộc “thay máu” dữ dội diễn ra tại Xuân Mai. Thế nhưng, ngoài việc bổ sung thêm thành viên HĐQT theo tỷ lệ vốn góp, toàn bộ ban lãnh đạo cũ của công ty được giữ nguyên. Thậm chí, những vị trí quan trọng bậc nhất trong công ty về tài chính, kỹ thuật đều là người cũ. Ông Bùi Khắc Sơn – người đại diện cho nhóm cổ đông mới thời đó, hiện giờ là Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc với anh em Xuân Mai từ trước và hiểu về con người ở đây. Các anh em chính là lý do chúng tôi muốn vào Xuân Mai. Họ là những người giỏi chuyên môn, đam mê và tử tế. Đây là chưa kể đến việc công ty có thương hiệu tốt, với truyền thống lịch sử đáng tự hào”.

Kết thúc năm 2014, lợi nhuận hợp nhất của Xuân Mai đạt 91 tỷ đồng – cao nhất lịch sử công ty tính đến thời điểm đó. Thế nhưng, lợi nhuận không phải là kết quả lớn nhất mà công ty này có được khi tái cơ cấu.

Ban lãnh đạo vẫn là những người cũ nhưng cách điều hành của HĐQT Xuân Mai có sự thay đổi lớn. HĐQT lập ra 4 Ủy ban nhằm định hướng và kiểm soát các hoạt động điều hành và kinh doanh toàn công ty.

Trong việc đầu tư, HĐQT của Xuân Mai quyết định cắt lỗ và bán những dự án bị đình trệ nhiều năm. Đây là sự thay đổi lớn vì với cơ chế trước đây, không ai dám ký quyết định “bán lỗ tài sản của Nhà nước”. Song song với đó, để chuẩn bị cho sự thay đổi lớn về quản trị, Xuân Mai cũng từng bước áp dụng và triển khai thành công công nghệ BIM trong quản lý dự án. Đây được coi như bước thay đổi lớn về trình độ quản lý của công ty so với trước đây. Một trong những thành quả rõ nét sau hơn 3 năm tái cấu trúc là dự án Xuân Mai Dương Nội (mua lại đất sạch từ Tập đoàn Nam Cường). Đây là dự án mà Xuân Mai làm tổng thầu kiêm chủ đầu tư với giá bán căn hộ 17 - 18 triệu đồng/m2 – nhà chất lượng tốt, giá rất cạnh tranh.

Mong muốn “góp những điều giản dị…”

Năm 2017 là năm đầu tiên sau khi Xuân Mai kết thúc lộ trình 3 năm tái cấu trúc từ 2014 - 2016. Cả doanh thu và lợi nhuận năm 2017 đều đạt mức cao kỷ lục từ khi thành lập, lần lượt đạt 2.350 tỷ và 130 tỷ đồng. Năm 2018, Xuân Mai corp dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số với kế hoạch 2.667 tỷ đồng doanh thu và 141,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch HĐQT Xuân Mai chia sẻ: “Điều chúng tôi cảm thấy tự hào nhất là những giá trị truyền thống của Xuân Mai được củng cố và phát huy. Chúng tôi vẫn tiếp tục “góp những điều giản dị” cho xã hội với nhiều công trình có chất lượng cao”.

Nếu trước đây Xuân Mai từng in dấu trên hàng trăm công trình nhà cao tầng lớn, nhưng chỉ với tư cách là thầu phụ thì giờ đây họ đã trở thành tổng thầu ở những công trình lớn. Một trong những ví dụ rõ nhất là dự án Eco Green Sài Gòn với tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn phát triển mới Xuân Mai không giới hạn ở những dự án nhà thương mại giá trung bình mà sẽ tham gia vào các dự án nhà ở cao cấp, quy mô lớn. Điểm khác biệt như ông Sơn giải thích: “Khái niệm cao cấp với chúng tôi không nằm ở giá bán mà ở chất lượng”. Rồi ông Sơn lấy một ví dụ điển hình là dự án Eco Green Sài Gòn mà Xuân Mai đang tham gia đầu tư và cũng làm tổng thầu.

“Nếu so sánh trong phân khúc cao cấp, giá bán của căn hộ chỉ ở mức thấp, nhưng vị trí của dự án nằm trên khu đất vàng và chất lượng căn hộ ở top đầu, với nội thất siêu sang. Đó chính là “góp những điều giản dị” mà Xuân Mai mong muốn tiếp tục mang đến và “tạo niềm tin vững bền” đúng như slogan đã tồn tại hàng chục năm nay của công ty” - ông Bùi Khắc Sơn phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần