Cậu học trò nghèo và chuyện nhặt được của rơi, trả người mất

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù gia đình em Nguyễn Dân An, học sinh lớp 6A10 trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm thuộc diện cận nghèo nhưng khi nhặt được số tiền hơn 70 triệu đồng em đã quyết tâm đi tìm người bị mất để trả lại.

Hành động nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của em An khiến nhiều người xúc động. Hành động đẹp ấy đã lan tỏa, gieo vào lòng mỗi người về niềm tin, tình người cho dù những bon chen trong cuộc sống thường nhật vẫn không thể xóa nhòa.
 Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm trao giấy khen Người tốt việc tốt cấp quận cho em Nguyễn Dân An.
Không phải tiền của mình nhất định phải trả
Một ngày mưa tháng 4, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm gọn lỏn trong con ngõ 599, TDP Hoàng 15, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, nơi Dân An đang sống cùng mẹ và anh trai. Bước vào căn nhà chật hẹp chừng 30m2 vốn đã nhuốm màu rêu phong thời gian, chị Chu Thị Hoài Thu (mẹ của Dân An) chia sẻ, 3 mẹ con ở trên gác 2, chung nhà với 2 chú chồng từ khi chị lấy chồng về đây. Và cũng đã 11 năm kể từ khi chồng chị Thu mất, chị vẫn gắng sức nuôi 2 con ăn học, khôn lớn trưởng thành dù phía trước còn nhiều chông gai. Nay khuôn mặt của người mẹ trẻ như rạng ngời hơn khi hay tin con trai Dân An nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất.
Ngồi nép vào lòng mẹ, Dân An nhớ lại, vào buổi trưa một ngày tháng 3, trên đường đi học về, em thấy một chiếc ví nữ màu đen nằm bên lề đường cách trường khoảng 50m. Nhặt chiếc ví lên, An chưa vội về nhà mà cũng chẳng vội mở chiếc ví ra, em cố nán lại một lúc với ý nghĩ chờ chủ nhân chiếc ví quay lại. Thế nhưng, em chờ mãi cũng chẳng thấy ai hỏi về chiếc ví. Với tâm trạng lo lắng, sốt ruột, An quyết định mở ví, thấy bên trong có rất nhiều tiền và giấy tờ quan trọng mang tên Nguyễn Thị Thỏa - chủ nhân của chiếc ví. Dù nhặt được số tiền lớn như vậy nhưng An không mảy may có suy nghĩ sẽ lấy số tiền đó cho bản thân mình. “Giây phút ấy, con chỉ nghĩ đơn giản, không phải tiền của mình thì mình không nên tham lam, nhất định phải trả lại cho người bị mất. Thầy cô giáo ở trường vẫn thường dạy chúng con như vậy”-An nói.
 Em Nguyễn Dân An và mẹ
Sau khi dựa vào thông tin trên chứng minh thư Nhân dân (CMTND) trong chiếc ví, em đi dọc theo đường hỏi thăm từng người và tìm địa chỉ với mong muốn trả lại chiếc ví cho người đánh mất. Trong quá trình hỏi thăm, nhiều người khi biết em nhặt được chiếc ví đều nhận là của mình, nhưng khi An bảo họ nói rõ các thông tin có trên CMTND thì không ai nói được. Quyết không bỏ cuộc, An tiếp tục tìm kiếm, nhanh trí hỏi thăm các hàng bán nước gần địa chỉ theo CMTND và cuối cùng cũng tìm được chủ nhân của chiếc ví-bác Nguyễn Thị Thỏa cũng đang trên đường đi tìm xuất hiện. “Lúc đó, con phải so sánh, đối chiếu thông tin trên CMTND, khuôn mặt… thì con mới đưa ví cho người đã đánh mất”- An nhanh nhảu cho hay.
Nhận được chiếc ví với số tiền hơn 70 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng khác, bác Thỏa, phụ huynh lớp 7A4 trường THCS Cổ Nhuế 2 đã vô cùng cảm kích trước việc làm tử tế của An. Xúc động trước hành động đẹp ấy, bác Thỏa đã tặng tiền và quà cho An nhưng em nhất định từ chối nhận tiền, chỉ nhận món quà là một chiếc ba lô và đôi giày thể thao để hàng ngày theo bước chân em tới trường. Thấy vậy, bác Thỏa đã liên hệ với Ban giám hiệu nhà trường để gửi lời cảm ơn tới nhà trường và mong muốn nhà trường sẽ tuyên dương, lan tỏa hành động của em.
Nhân lên “nghìn việc tốt”
Rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi con trai Dân An đã có hành động đẹp, việc làm cao cả, chị Hoài Thu chia sẻ: “Khi biết được cử chỉ và hành động của con nhặt được của rơi, trả người đánh mất, tôi thực sự rất xúc động và nghĩ rằng, con mình đã làm được những điều nên làm”.
 Em Nguyễn Dân An được nhận Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội.
Nói rồi, người mẹ trẻ ngồi lặng lẽ, khóe mắt đỏ hoe, ngấn lệ chực chờ trào tuôn, đôi tay run run, ánh mắt hướng về phía ban thờ. Giọng chị Thu bỗng nghẹn nấc khi kể về cuộc sống của 3 mẹ con. 11 năm qua, chị Thu vừa là cha, vừa là mẹ, một mình nuôi 2 con ăn học, khôn lớn trưởng thành dù cuộc sống của 3 mẹ con có quá nhiều khó khăn. Chồng chị Thu trong một lần bị cảm đã ra đi mãi mãi để lại cho chị và đứa con trai đầu tiên nỗi đau tột cùng. Khi ấy, chị Thu đang mang thai ở tháng thứ 8 (là Dân An bây giờ). Ngã quỵ, khóc cạn nước mắt vì nỗi đau mất chồng, chị Thu tưởng chừng chẳng thể vượt qua nổi quãng thời gian âm u ấy. Nhưng khi nghĩ về con, chị lại gượng dậy, nuốt nước mắt vào trong, gắng sức nuôi 2 con khôn lớn cho đến ngày hôm nay.
“Thực sự, lúc đó, tôi phải trải qua rất nhiều chông gai, sóng gió. Khi ấy, công việc của tôi bấp bênh vô cùng. Bố mẹ chồng cũng mất sớm, 3 mẹ con không có chỗ dựa. Nhiều khi, tôi nghĩ, con vốn đã thiếu thốn tình cảm của ông bà, bố. Giờ chỉ có mỗi mình mẹ là niềm an ủi, chỗ dựa duy nhất để con nhìn vào đó, dần trưởng thành hơn. Còn với tôi, sống tất cả vì con, cứ nhìn vào con để sống. Tôi cũng chẳng bao giờ có ý nghĩ đi thêm bước nữa để cải thiện cuộc sống gia đình. Điều quan trọng với tôi là làm thế nào để nuôi 2 con khôn lớn trưởng thành. Đó là niềm hạnh phúc, động lực, món quà quý nhất để tôi vượt qua”-chị Thu chia sẻ.
 Quận đoàn - Hội đồng Đội quận và Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm tặng em An một chiếc xe đạp
Thấu hiểu hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Thu, mới đây được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương, mẹ Dân An được giới thiệu làm giáo viên mầm non tại một trường tư thục gần nhà. Hiện giờ, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương ít ỏi của mẹ em. Gia đình của Dân An thuộc diện cận nghèo của phường Cổ Nhuế 1.
Còn Dân An, 11 năm lớn lên thiếu vắng tình thương của cha, nhưng em luôn được thầy cô, bạn bè và hàng xóm xung quanh ngưỡng mộ em là một cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, nhanh nhẹn và có tấm lòng nhân hậu.
Thầy giáo Bùi Anh Tuấn-Hiệu trưởng trường THCS Cổ Nhuế 2 chia sẻ, trong lớp, Dân An là một học sinh luôn chấp hành tốt nội quy của trường, lớp. Bản thân em sống chan hòa cùng các bạn, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào quyên góp, ủng hộ do nhà trường phát động. Dù hoàn còn khó khăn nhưng em không tham lam, nhặt được của rơi trả lại người mất. Sau khi xác nhận thông tin sự việc này, nhà trường đã tổ chức tuyên dương và tặng giấy khen gương “Người tốt việc tốt” cho em Nguyễn Dân An trước toàn trường để học sinh toàn trường noi gương em. Hành động của Dân An là 1 bài học đạo đức đạo đức thực tế về tính trung thực, thật thà đáng quý cần được lan tỏa.
 11 năm lớn lên thiếu vắng tình thương của cha, nhưng em luôn được thầy cô, bạn bè và hàng xóm xung quanh ngưỡng mộ em là một cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, nhanh nhẹn và có tấm lòng nhân hậu.
Việc làm ý nghĩa “nhặt được của rơi - trả người đánh mất” của em Nguyễn Dân An giúp nhân lên những câu chuyện hay, hành động đẹp trong thanh thiếu nhi, trở thành một việc làm hay trong “nghìn việc tốt” của thiếu nhi Bắc Từ Liêm nói riêng và thiếu nhi Thủ đô nói chung.
Trước việc làm tử tế đó, em Nguyễn Dân An đã được nhận Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội, giấy khen Người tốt việc tốt của quận Bắc Từ Liêm. Quận đoàn - Hội đồng Đội quận và Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm tặng em An một chiếc xe đạp. Đoàn phường Cổ Nhuế 1 cũng đã tặng em sách, vở, đồ dùng học tập để nhân rộng những tấm gương sáng trong đội viên, thiếu nhi Bắc Từ Liêm về ý thức nhặt được của rơi - trả người đánh mất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần