Câu hỏi về tính khả thi

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm; phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu xâm phạm thân thể nhà giáo, người học…

Đó là những quy định đang rất được chú ý khi Bộ GD&ĐT đưa Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ra lấy ý kiến. Có thể nói rằng, Dự thảo lần này đã “quét” rất nhiều những hành vi vi phạm các hoạt động liên quan đến giáo dục đào tạo… và đưa ra những mức phạt tiền cụ thể. Nhiều ý kiến nhận định, việc có các quy định để xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục là hoàn toàn cần thiết để dẹp bỏ tiêu cực. Tuy nhiên, để quy định không “chết yểu”, khả thi lại là câu chuyện không dễ trả lời.
Bộ GD&ĐT kỳ vọng, việc xây dựng Nghị định để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành; tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên toàn quốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Đơn cử, đối với việc quản lý dạy thêm, những quy định này được coi như là “liều thuốc mạnh” để dẹp “loạn” dạy thêm học thêm tràn lan. Theo Dự thảo này, sẽ có nhiều mức phạt cho các hành vi dạy thêm trái quy định và “chủ thể” bị phạt sẽ là giáo viên. Công tác quản lý liên quan đến tình trạng này cũng có khung phạt khá khắt khe.

Đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên nhiều ý kiến nhận định, những điểm vi phạm “muôn hình vạn trạng” trên thực tế liệu ban soạn thảo chưa “quét” hết. Hơn nữa, những mức phạt này liệu có khó khả thi. Bởi làm thế nào để biết “bắt được quả tang” giáo viên ép buộc học sinh học thêm khi gần như để cho con đi học phụ huynh đều “được” ký đơn tự nguyện. Thực tế, nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh cũng khác nhau, có người cho đi học chỉ để cô giáo… trông con, có người cho đi học vì “bạn bè nó đều đi”, có người cho đi vì sợ con bị giáo viên “trù dập”... nên cũng khó để trông chờ phụ huynh sẽ “tố” cô ép học thêm. Việc tổ chức dạy thêm của giáo viên nhiều khi cũng không hẳn đã được tổ chức ở một trung tâm lớn để cơ quan chức năng có thể “đột xuất” kiểm tra, phát hiện vi phạm, mà có thể chỉ ở hình thức “kèm cặp” tại nhà… rất khó để kiểm đếm. Khi đó dù vi phạm, có muốn phạt cũng khó.

Hay trong vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và xúc phạm người học đều bị phạt hành chính ở những mức độ khác nhau. Có thể nói rằng, những hành động này đúng ra phải tuyệt đối nghiêm cấm, không nên xảy ra ở môi trường giáo dục, nhưng thực tế thi thoảng vẫn xảy ra, vẫn làm xôn xao dư luận. Có lẽ rằng, việc “dự kiến” bị phạt tiền sẽ là một biện pháp nào đó để ngăn ngừa, phòng tránh các vi phạm. Nhưng cũng như các quy định trong dạy thêm, việc xử lý cũng không dễ dàng gì nếu người trong cuộc không lên tiếng và cơ quan quản lý không kiểm soát được.

Việc đề ra các quy định để xử phạt hành chính các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết, sẽ cộng hưởng cùng các biện pháp khác tạo tác dụng răn đe, để ngăn ngừa tiêu cực. Nhưng để quy định khả thi, đi được vào cuộc sống, vẫn cần sự tính toán cụ thể về yếu tố thực thi. Ai phạt, phạt ai, làm cách nào để phạt là những câu hỏi cần trả lời thấu đáo, để các quy định không chỉ nằm trên giấy, chỉ xử lý được “bề nổi của tảng băng chìm”.